Để có dân chủ thì phải đầu tư tạo ra sự tiến bộ

Nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt nhìn nhận như vậy khi trao đổi với PV Thanh Niên xoay quanh những kỳ vọng của người dân đặt ra đối với ĐH XII của Đảng khai mạc hôm nay, 21.1.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt nhìn nhận như vậy khi trao đổi với PV Thanh Niên xoay quanh những kỳ vọng của người dân đặt ra đối với ĐH XII của Đảng khai mạc hôm nay, 21.1.

Ông Nguyễn Trần Bạt - Ảnh: nhân vật cung cấpÔng Nguyễn Trần Bạt - Ảnh: nhân vật cung cấp
Để phát huy dân chủ trong xã hội thì thực hiện dân chủ trong Đảng thường được coi là yếu tố tiên quyết. Có ý kiến cho rằng, nếu dân chủ trong Đảng chưa được phát huy triệt để thì thực hiện dân chủ xã hội sẽ rất khó khăn. Ông có đồng tình với quan điểm này?
Tôi không chia sẻ nhận định đó. Hiện nay có người mong muốn thiết lập một trật tự chính trị khác so với trật tự chính trị mà Đảng muốn thể hiện trong ĐH XII. Nói rằng dân chủ trong Đảng là chìa khóa của việc tổ chức dân chủ xã hội là không đúng. Dân chủ trong Đảng về bản chất là dân chủ của một tổ chức, nó có những tiêu chuẩn, những đặc điểm rất cá biệt, nhất là khi đó là tổ chức chính trị. Không thể gắn các tiêu chuẩn của dân chủ trong Đảng với dân chủ xã hội được.
Xã hội chúng ta vẫn sốt ruột, vẫn muốn có ngay dân chủ mà không hiểu rằng, để có dân chủ thì phải đầu tư, mà thể hiện rõ rệt nhất của việc đầu tư cho dân chủ chính là giáo dục
Dân chủ xã hội là một phổ quát, dân chủ trong Đảng là một cá biệt. Không thể dùng áp lực của dân chủ xã hội để đòi hỏi dân chủ trong Đảng cũng giống thế. Việc gán ghép cho dân chủ trong Đảng những nghĩa vụ như thế là không đúng.
Ngay cả dân chủ trong Đảng cũng có hai mảng khác nhau: dân chủ về mặt tư tưởng, tức là lựa chọn chính sách và dân chủ về mặt phương thức, tức là quản trị nội bộ. Khi nào Đảng tuyên bố không chấp nhận dân chủ trong xã hội nữa, không xây dựng nhà nước pháp quyền nữa thì mới có thể nói rằng Đảng bắt đầu phi dân chủ về mặt tư tưởng. Nhưng Đảng chưa tuyên bố như thế bao giờ mà vẫn theo đuổi đòi hỏi dân chủ, tức là về mặt tư tưởng, Đảng không phi dân chủ. Còn khi Đảng cấu trúc lại các lực lượng của mình để đảm bảo dân chủ về tư tưởng thì không có gì sai.
Vậy theo ông, Đảng Cộng sản VN cần phải hành động như thế nào để phát huy được dân chủ trong xã hội với tư cách là một đảng lãnh đạo?
Là đảng chính trị lãnh đạo duy nhất mà tuyên bố ủng hộ dân chủ xã hội thì đấy là mức hợp lý nhất trong việc tuyên bố ủng hộ các giá trị phổ quát. Còn cách thức thì có thể đúng lúc này, sai lúc kia, có thể đúng trong việc này, sai trong việc kia, cho nên mới cần có một quá trình sửa đổi liên tục, để các giải pháp chính trị cụ thể hỗ trợ lý tưởng chính trị mà Đảng muốn.
Là người nghiên cứu về lĩnh vực này, tôi cho rằng dân chủ hóa xã hội là lý tưởng chính trị mà Đảng Cộng sản VN muốn thực hiện và đang cố gắng tổ chức một cách vất vả. Vất vả vì thực thi dân chủ là rất khó, vì xã hội chúng ta là một xã hội chưa tự giác, chưa đủ trình độ và chưa đủ trưởng thành để hiểu dân chủ một cách đúng đắn. Xã hội chúng ta vẫn sốt ruột, vẫn muốn có ngay dân chủ mà không hiểu rằng, để có dân chủ thì phải đầu tư, mà thể hiện rõ rệt nhất của việc đầu tư cho dân chủ chính là giáo dục.
Ý kiến:
Kỳ vọng thế hệ lãnh đạo mới
Tôi mong chờ ĐH XII lựa chọn ra những nhà lãnh đạo mới của Đảng, lựa chọn một thế hệ lãnh đạo mới của đất nước có sự dũng cảm, có trí tuệ, mạnh mẽ để ban hành và thực thi các chính sách mang tầm quốc gia hiện đại, phù hợp với bối cảnh của đất nước, tiếp tục dẫn dắt đất nước trong quá trình đổi mới sâu rộng và toàn diện hơn nữa.
5 năm tới đây, các thách thức mà VN đang đối mặt không mới song sẽ lớn hơn về quy mô và mức độ. Về kinh tế, chúng tôi chờ đợi các nhà lãnh đạo hoạch định những chính sách để tận dụng cơ hội VN gia nhập TPP, tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) khi những thị trường lớn đang mở ra, lực lượng doanh nhân của VN đã trưởng thành nhưng cần lớn mạnh hơn nữa với các chính sách hỗ trợ và hậu thuẫn của Đảng và Nhà nước. Trên Biển Đông, chắc chắn những bất ổn sẽ tiếp tục diễn ra với quy mô và mức độ nghiêm trọng hơn, chúng tôi chờ đợi các nhà lãnh đạo có những biện pháp mạnh mẽ hơn, kiên quyết hơn nhằm duy trì được ổn định, hòa bình song vẫn đảm bảo rõ ràng hơn về mặt chủ quyền.
Đối với các vấn đề đối nội, chúng tôi hy vọng Đảng sẽ ban hành những chính sách rõ ràng và hiệu quả hơn để xử lý những vấn đề như ô nhiễm môi trường, bình đẳng xã hội và tạo dựng môi trường sống an toàn cho mọi người dân.
Nguyễn Cảnh Bình
Chủ tịch HĐQT Alpha Books, Giám đốc VICC
Tạo môi trường thuận lợi cho thanh niên khởi nghiệp
Tôi mong muốn ĐH Đảng toàn quốc lần này sẽ có những chủ trương mới trong hỗ trợ, tạo điều kiện phù hợp nhất cho thanh niên trong nhu cầu học tập nâng cao trình độ, giải quyết việc làm và khởi nghiệp để có những đóng góp cụ thể vào công cuộc dựng xây đất nước.
Qua thực tế, tôi chứng kiến ở nhiều vùng nông thôn còn nghèo khó, thanh niên có mong muốn cháy bỏng được tư vấn giúp đỡ về kiến thức khoa học công nghệ, hỗ trợ tài chính đầu tư phát triển các mô hình kinh tế chăn nuôi sản xuất xóa đói giảm nghèo, gìn giữ và bảo tồn làng nghề truyền thống. Nhưng các chính sách hiện tại chưa đáp ứng nhu cầu khi số vốn vay còn eo hẹp, thủ tục hành chính còn nặng nề, rườm rà.
Một trong những nội dung quan trọng của ĐH Đảng toàn quốc lần này là quyết định đưa ra các chủ trương, kế hoạch chiến lược phát triển nền kinh tế xã hội đất nước một cách bền vững, chủ động hội nhập và nâng cao sức cạnh tranh trên trường quốc tế. Theo đó, thanh niên trong độ tuổi lao động sẽ là lực lượng quan trọng để triển khai, đưa các chủ trương của Đảng đi vào đời sống. Để đoàn kết và tập hợp thanh niên vào mặt trận phát triển kinh tế thì, ĐH cần ban hành đồng bộ chủ trương chính sách, để tạo điều kiện tốt nhất, đồng hành và ủng hộ thanh niên trong tìm kiếm việc làm, khởi nghiệp làm giàu xây dựng quê hương đất nước.
Phan Vũ Thanh Tùng
Trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên Vĩnh Phúc
Trường Sơn - P.Hậu (ghi)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.