Nghe thì thật buồn cười vì ở cái tuổi ngoài 30 rồi mà tôi vẫn còn háo hức như một đứa trẻ nhưng vị tết là thế, tôi vẫn muốn giữ cách đón tết đặc biệt của riêng mình. Và hôm nay, phiên chợ cuối cùng của năm Tân Sửu, tôi dắt theo đứa con 3 tuổi cùng đứa cháu đi ngắm tết, để con biết trân trọng và lưu giữ một cái tết thật truyền thống.
Chợ tết trong ký ức của tôi là người ta kéo nhau đi bán những giỏ quất, giỏ bưởi giỏ chuối xanh đầy hự cả xe máy từ tờ mờ sáng. Nhà cách chợ vài bước chân lại ngay mặt đường nên tôi dễ dàng nghe tiếng còi xe inh ỏi, tiếng xe đạp cót két của người thồ xe vải từ làng bên sang bán, tiếng người bán hàng tranh cãi nhau giành chỗ ngồi đẹp. Bấy nhiêu thanh âm làm náo loạn cả con đường trước nhà và làm một đứa nhóc 6 - 7 tuổi như tôi thức giấc, mở vội cửa chạy ra xem cảnh huyên náo. Lúc đó cũng chỉ khoảng 4 giờ sáng, mùa đông lạnh nên trời tối thui. Xem một lúc, tôi quay lại giường ngủ tiếp rồi đợi trời sáng hẳn sẽ đi chợ.
Chợ đông nhất là từ 9 - 11 giờ sáng. Ngoài các bà, các mẹ, nam thanh nữ tú, người già và trẻ thơ nô nức kéo nhau đi chợ. Họ đi chủ yếu để ngắm người, để được chen chúc cho biết chợ tết chứ thực tình nhu cầu mua sắm không có nhiều. Một phần chợ nằm trên đường liên tỉnh, xe ô tô thỉnh thoảng qua lại nên làm chợ đã đông càng thêm tắc đường. Đây chính là một “đặc sản” của phiên chợ Nủa 27 Tết mà nhiều người quê Thạch Thất (Hà Nội) khó quên. Người đi chợ đông đúc là thế nên hàng hóa bày bán cũng phong phú, đa dạng. Từ hàng rau quả, hoa cỏ đến quần áo, giày dép, trang sức… đều có đủ cả. Người mua kẻ bán tấp nập đến tận 5 - 6 giờ chiều chợ mới hết hẳn.
Con đường cau trầu vẫn còn nguyên vẹn sau cả mấy chục năm |
Nguyễn thị bình |
Chợ trong ký ức của tôi là những gian hàng bán vải và quần áo. Tôi được mẹ dẫn đi mua một mảnh vải quần, một mảnh vải áo để may, có khi là chiếc áo sơ mi đuôi tôm, có năm là bộ gi lê trông thật oách. Đó là những chiếc kẹo hồ lô, những con tò he đầy sắc màu, là những người bán tiêu với một chiếc mẹt nhỏ đeo ngang người, cầm chiếc máy xay tiêu cứ xoay hoài, xoay mãi. Rồi cả dãy hàng bán trầu cau ngay giữa khu quần áo, quầy nổ bỏng gạo, rang lạc, đậu thơm phức của một gia đình đã hơn 20 năm. Còn cả mùi hương thắp thơm khắp chợ - thứ mùi mà chỉ cần ngửi thôi lũ trẻ con cũng biết tết đến nơi rồi. Từng đấy thanh âm, hương vị hòa quyện lại làm nên một chợ tết không thể quên trong tôi. Để rồi từ khi xa quê đi học đại học rồi đi làm, năm nào tôi cũng mong chợ 27 rơi vào thứ 7 hoặc chủ nhật để được về đi chợ tết, để được hòa vào không khí tết của quê hương mà một năm mới có một lần.
Quầy nổ bỏng, rang hạt của gia đình đã bày bán ở chợ hơn 20 năm |
Nguyễn thị bình |
Năm nay, sau cả chục năm tôi mới lại được đi chợ "hăm bảy". Có đi xa mới nhớ da diết không khí chợ tết quê hương nên tôi quyết định dẫn theo cô con gái 3 tuổi và cô cháu gái cùng đi chợ để con biết được chợ tết như thế nào. Dịch giã phức tạp kèm theo tiết trời mưa lạnh nên người đi chợ thưa thớt hẳn, chỉ đông hơn phiên chợ thường chút xíu. Lướt nhanh qua hàng quần áo, tôi chầm chậm đi qua khu bán mây - tre - dang chỉ cho con cái thúng, cái mẹt, cái bu gà làm bằng tre, nứa, để con chạm vào để biết những đồ vật hiếm gặp nơi phố thị. Rồi cho con đứng ngắm quầy nổ bỏng đã tồn tại hơn hai thập kỷ, những người bán tiêu xay đứng giữa đường.
Con được “chạm” vào Tết theo một cách truyền thống nhất |
nguyễn thị bình |
Tôi quyết định từ năm nay sẽ thực hiện một “nghi thức đón tết” cho con đó là đi chợ mua lá mùi già về tắm vào ngày cuối năm. Tiếc là lùng sục cả chợ cũng không có lấy một mớ lá mùi già nên tôi đành ngậm ngùi mua một cân chanh mang về. Đành để hôm sau tìm kiếm mấy chợ quanh nhà chắc sẽ có.
Chợ tết năm nay không đông đúc như mọi năm nhưng tôi vui vì đã tìm lại những mảnh ký ức của tết trong mùi hương, âm thanh giản dị. Vui vì sau bao nhiêu ngày chợ đóng cửa vì đại dịch Covid-19 nay đã mở lại và bà con rộn ràng sắm tết. Vui hơn nữa vì cô con gái đã biết chợ tết là như thế nào để năm sau lại đòi mẹ đi tiếp. Và chắc chắn, kể từ năm nay, nghi thức tắm nước lá mùi già trong ngày 30 Tết sẽ chính thức bắt đầu và trở thành truyền thống tốt đẹp trong gia đình nhỏ bé của tôi.
Bình luận (0)