Để đi đến cùng niềm đam mê

26/01/2012 01:19 GMT+7

Các buổi nói chuyện của GS vật lý Trịnh Xuân Thuận với giới trí thức, sinh viên (SV) Việt Nam luôn mang vẻ đẹp hoàn hảo của vũ trụ và sự tồn tại tất yếu của con người. Từ đó thúc đẩy người trẻ mạnh dạn dấn thân vào những khám phá khoa học.

Sự phấn đấu của ông trong học tập và nghiên cứu là một minh chứng của việc biết đam mê và cố gắng thực hiện đam mê đó. Ngay từ lúc nhỏ, GS Trịnh Xuân Thuận đã thích khoa học và càng quyết tâm đi theo con đường này sau khi đọc về nhà vật lý lỗi lạc A.Einstein.

Người đi “bắt ánh sáng”

GS Trịnh Xuân Thuận sinh năm 1948 tại Hà Nội, là một nhà khoa học người Mỹ gốc Việt trong lĩnh vực vật lý thiên văn. Các tác phẩm nổi tiếng nhất của ông đã được dịch ra tiếng Việt là: Từ điển yêu thích bầu trời và các vì sao; Giai điệu bí ẩn và con người đã tạo ra vũ trụ; Hỗn độn và hài hòa; Cái vô hạn trong lòng bàn tay (Từ Big Bang đến Giác Ngộ); Lượng tử và hoa sen; Trò chuyện với Trịnh Xuân Thuận; Những con đường của ánh sáng... Ông là người Việt Nam đầu tiên được trao giải thưởng của UNESCO về phổ biến khoa học năm 2009. Ông được Viện Hàn lâm Pháp vinh danh năm 2007.

GS Thuận đã chuẩn bị mọi thứ cho mình để bước vào con đường nghiên cứu về vật lý. Năm 1966, sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học tại Trường Jean Jacques Rousseau ở Sài Gòn (nay là THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM), ông sang Thụy Sĩ để học ngành vật lý. Ông tâm sự: “Lương của cha tôi lúc đó chỉ bằng một phần mười số học phí tôi phải trả khi theo học tại Thụy Sĩ. Vì thế tôi phải tìm cách săn học bổng để đến Mỹ”. Sau một năm, ông giành được học bổng lên thẳng năm thứ hai của 3 trường đại học danh tiếng bậc nhất nước Mỹ. Ông chọn ĐH Caltech (California Institute of Technology) và học ở đó từ năm 1967 tới 1970, bảo vệ luận án tiến sĩ ở ĐH Princeton. Ông chia sẻ: “Vào những mùa hè, tôi đi làm thêm, phụ việc cho các giáo sư để có tiền và có kinh nghiệm phục vụ việc học”. Từ năm 1976 tới nay, ông giảng dạy vật lý tại ĐH Virginia.

Tại buổi nói chuyện với SV Trường Doanh nhân PACE, khi một SV đặt câu hỏi: “Em rất thích thiên văn học nhưng không biết nơi đâu đào tạo ngành khoa học vũ trụ, vậy em phải làm sao?”. Dù hiện tại Việt Nam chưa có ngành học này nhưng ông khuyên những người yêu thích thiên văn học cũng như SV nói chung nên trang bị cho mình kiến thức về vật lý và toán học cho thật chắc, đó sẽ là nền tảng cho việc nghiên cứu vũ trụ sau này. Bởi ông cho rằng hãy chuẩn bị mọi thứ để thực hiện niềm đam mê.

Tâm đắc với nghề nghiệp đang đeo đuổi, GS Trịnh Xuân Thuận ví von mình là người đi “bắt ánh sáng”. Ông cho rằng ở thế kỷ 16, người ta nghĩ con người là trung tâm của vũ trụ. Nhưng với hiểu biết càng tăng thì càng ngày con người càng trở nên nhỏ bé. Tuy vậy, ông khẳng định: “Vũ trụ vốn dĩ rất đẹp nhưng chẳng có ý nghĩa gì nếu không có con người quan sát để thưởng ngoạn, khâm phục vẻ đẹp thánh thiện cùng sự hòa điệu tuyệt vời của nó”.


GS Trịnh Xuân Thuận ký tặng sách tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) - Ảnh: Đ.Nguyên

Trao đổi với SV về giáo dục, ông nhấn mạnh: “Quan trọng của việc học là sáng tạo những gì chứ không phải làm theo những cái mà người trước đã làm ra”. Chính vì điều này, vào những năm 1960, dù là SV Việt Nam hiếm hoi theo học ở  những  trường ĐH lớn tại Mỹ, trong đó có trường có đến hai giải Nobel, GS Thuận cho rằng ông không bị sức ép bởi điều này. Trái lại, ở những trường ĐH danh tiếng này, ông đã được các giáo sư giỏi về vật lý, thiên văn học dạy cho mình cách nghĩ “phải làm gì để giỏi hơn giáo sư dạy mình”. Đó là phải luôn luôn sáng tạo, đổi mới. 

Đăng Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.