Bộ GD-ĐT ngày 29.12 công bố đề minh họa thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, trong đó có môn lịch sử.
Điểm mới trong cấu trúc đề thi
Đề thi minh họa môn lịch sử được chia làm hai phần:
Phần I bao gồm các câu trắc nghiệm nhiều phương án lựa chọn, với 24 câu thuộc câu hỏi nhận biết và thông hiểu, chưa có câu hỏi vận dụng. Đây là dạng câu hỏi học sinh đã quá quen thuộc trong kiểm tra định kỳ ở trường THCS, THPT và các kỳ thi tốt nghiệp THPT nhiều năm qua.
Phần II có 4 câu hỏi đúng/sai là câu hỏi vận dụng. Trong một câu có 4 ý, thí sinh chọn đúng/sai. Đây là dạng thức mới dùng trong đề thi thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, nhưng các bài kiểm tra định kỳ (kiểm tra viết) bậc THCS, THPT đã áp dụng từ lâu.
Nhiều giáo viên lịch sử cho rằng điểm mới của đề thi minh họa môn lịch sử là phần II, với câu hỏi đúng/sai.
Để chọn đúng/sai, thí sinh cần phải có vốn kiến thức đủ lớn, toàn diện về lịch sử. Vì vậy, học sinh phải tích cực đọc sách, tư liệu và có tư duy (đọc hiểu), vận dụng kiến thức sự hiểu biết ý nghĩa bản chất của sự kiện mới xác định đúng câu trả lời. Không có chỗ cho việc học vẹt, học thuộc lòng hay chọn theo kiểu "ăn may", đoán mò, đoán mẹo.
Chẳng hạn, ở phần II, câu hỏi 2 - c) Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chỉ có thể được khôi phục qua Bình Ngô đại cáo. Nếu học sinh không hiểu đầy đủ về khởi nghĩa Lam Sơn (1418-1427) và ý nghĩa của Bình Ngô đại cáo, thì sẽ chọn đúng - tức là đáp án sai.
Dạng câu hỏi đúng/sai phù hợp với mục tiêu phát huy phẩm chất năng lực của học sinh trong Chương trình GDPT 2018. Do vậy, thầy cô cần có phương pháp dạy theo hướng mới của đề thi nhằm phát huy tích cực, nhất là năng lực đặc thù (năng lực chuyên môn) cho học sinh trong giải quyết vấn đề.
Không dễ lấy điểm 10
Trong phần II, thí sinh chỉ lựa chọn chính xác 1 ý trong 1 câu hỏi (1 câu hỏi có 4 ý) được 0,1 điểm là chưa hợp lý.
Vì thế, có giáo viên lịch sử kiến nghị nếu thí sinh lựa chọn chính xác 1 ý trong 1 câu hỏi thì phải được tính 0,25 điểm để đảm bảo công bằng. Như vậy, thí sinh lựa chọn chính xác 4 ý trong 1 câu hỏi được 1,0 điểm.
Nhìn chung, cấu trúc đề minh họa thi tốt nghiệp THPT môn lịch tạo điều kiện thuận lợi cho việc tuyển sinh theo năng lực, phù hợp định hướng nghề nghiệp của học sinh và Chương trình GDPT 2018.
Tuy nhiên, thí sinh phải có năng lực, kiến thức, kỹ năng toàn diện mới đạt được điểm tối đa, nói cách khác, khó có điểm 10 cho môn lịch sử.
Bình luận (0)