Đề nghị đánh giá kỹ các tác động của điện gió đang khiến người dân bức xúc

Lê Hiệp
Lê Hiệp
22/02/2024 18:14 GMT+7

Nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị đánh giá kỹ tác động của cánh quạt, tiếng ồn của tuabin điện gió để sửa đổi, bổ sung quy định về tiếng ồn, khoảng cách an toàn, nhằm giảm tác động đến đời sống và sức khỏe của người dân.

Ngày 22.2, tại phiên họp 30 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, Ban Dân nguyện kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao bộ, ngành hữu quan khẩn trương tham mưu, trình Chính phủ hướng dẫn về bồi thường, hỗ trợ đối với đất, tài sản trên đất nằm trong khu vực hành lang an toàn cột tháp gió của nhà máy điện gió.

Đề nghị đánh giá kỹ các tác động của điện gió đang khiến người dân bức xúc- Ảnh 1.

Trưởng ban Dân nguyện (thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội) Dương Thanh Bình báo cáo tại phiên họp

GIA HÂN

Cùng đó, giao bộ, ngành hữu quan nghiên cứu về tác động của cánh quạt tuabin điện gió và tiếng ồn của tuabin gió để sửa đổi, bổ sung quy định về tiếng ồn, khoảng cách an toàn của tháp điện gió nhằm giảm thiểu tác động đến đời sống và sức khỏe của người dân.

Theo Ban Dân nguyện, các kiến nghị này đã được nêu trong báo cáo công tác dân nguyện Quốc hội từ tháng 2.2023 nhưng 1 năm qua vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Cụ thể, quy định về "bồi thường, hỗ trợ thiệt hại đối với đất thuộc hành lang an toàn khi xây dựng công trình có quy định hành lang bảo vệ an toàn" đã được Bộ TN-MT nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ để trình Quốc hội quy định tại điều 106 luật Đất đai sửa đổi năm 2024. Tuy nhiên, để giải quyết dứt điểm vụ việc liên quan đến bồi thường, hỗ trợ do bị ảnh hưởng bởi công trình điện gió vẫn còn chờ Chính phủ ban hành nghị định hướng dẫn.

Trong khi đó, kiến nghị nghiên cứu về tác động của cánh quạt tuabin điện gió và tiếng ồn của tuabin gió để sửa đổi, bổ sung quy định về khoảng cách an toàn của cột tháp gió thì vẫn chưa được các bộ, ngành hữu quan quan tâm thực hiện.

"Đây là vướng mắc lớn phát sinh khiếu kiện bức xúc của các hộ dân bị ảnh hưởng khi triển khai, thực hiện dự án điện gió", ông Bình cho biết, dẫn lại vụ khiếu kiện của hơn 60 hộ dân liên quan dự án điện gió IaLe, H.Chư Pư, tỉnh Gia Lai.

Vấn đề phổ biến, khiến người dân bức xúc

Nêu ý kiến, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho rằng, việc giải quyết các vụ việc khiếu kiện như dự án điện gió IaLe phải rất căn cơ, quyết liệt. Ông cho biết, Hội đồng Dân tộc và Ban dân nguyện đã khảo sát và có kiến nghị từ đầu năm 2023, nhưng tới nay vướng mắc chủ yếu nằm ở hành lang pháp lý chứ không phải trách nhiệm của địa phương hay doanh nghiệp.

Đề nghị đánh giá kỹ các tác động của điện gió đang khiến người dân bức xúc- Ảnh 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Quốc hội Lê Tấn Tới đề nghị phải đánh giá kỹ tác động môi trường các dự án điện gió vì hiện nay đang là vấn đề phổ biến, gây bức xúc

GIA HÂN

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho biết, doanh nghiệp cũng muốn hỗ trợ cho người dân nhưng thiếu hành lang pháp lý sẽ không chi phần đó ra được. Do đó, không thể đổ thừa do chờ các luật sửa đổi mới xem xét.

"Đại biểu Quốc hội về trao đổi với người dân và cử tri rất khó nói, khi sự việc vẫn kéo dài, khi hàng năm cánh quạt vẫn cứ quay và đời sống người dân ở dưới khu vực này vẫn bị ảnh hưởng", ông Y Thanh Hà Niê Kđăm nói.

Tán đồng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới cho rằng, không chỉ ở Tây nguyên mà tác động môi trường của điện gió đang trở thành vấn đề phổ biến, khiến người dân rất bức xúc ở các khu vực ven biển Tây Nam bộ như Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau.

"Khi chúng ta cấp giấy phép cho nhà đầu tư thì không biết đánh giá tác động môi trường như thế nào, nhưng khi sử dụng thì ảnh hưởng đến môi trường rất lớn, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, do đó người dân khiếu kiện. Hiện nay ở Bạc Liêu, Sóc Trăng rất khó khăn khi người dân khiếu kiện thường xuyên, bởi vì những con vật sống dưới chân cột điện gió này không sống được", ông Tới nói.

Từ đó, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Quốc hội đề nghị Chính phủ phải nghiên cứu tác động môi trường của các dự án điện gió thật kỹ. "Đối với các dự án điện gió thời gian tới thì việc đánh giá tác động môi trường Chính phủ phải đánh giá cho cụ thể, sẽ hạn chế căn cơ việc người dân không đi khiếu kiện", ông Tới nhấn mạnh.

Đề nghị đánh giá kỹ các tác động của điện gió đang khiến người dân bức xúc- Ảnh 3.

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu ý kiến tại phiên họp

GIA HÂN

Tham gia thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường Quốc hội Lê Quang Huy nói, liên quan quy định về an toàn của các công trình điện gió Bộ Công thương đã có Thông tư 02 năm 2019. Do đó, ông Huy đề nghị: với các vụ việc khiếu kiện liên quan điện gió, Chính phủ phải có chỉ đạo với Bộ Công thương trực tiếp đánh giá, rà soát lại các công trình điện gió có thực hiện đúng theo các quy định của thông tư của bộ này hay không vì thông tư đã quy định rất rõ.

Cạnh đó, ông Huy cũng đề nghị rà soát lại Thông tư 02 của Bộ Công thương khi văn bản này quy định nhà dân cách công trình điện gió chỉ 300 m. "Quy định như vậy thì có hợp lý hay không? Đề nghị Ban Dân nguyện nên có văn bản và đôn đốc hết sức cụ thể với Bộ Công thương là chủ thể để xây dựng Thông tư 02 liên quan đến an toàn công trình điện gió", ông Huy nêu.

Kết luận phiên làm việc, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng khẳng định, vấn đề tác động môi trường các dự án điện gió ở nhiều khu vực chứ không chỉ Tây nguyên. "Luật Bảo vệ môi trường có sửa không, đánh giá tác động kỹ thế nào, thông tư của Bộ Công thương ra làm sao?", ông Phương nêu loạt vấn đề.

Phó chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, từ năm 2022 Bộ Công thương đã hứa sửa đổi quy định về khoảng cách an toàn, tiếng ồn của các công trình điện gió nhưng tới nay chưa sửa được. "Tới đây khi giám sát thực hiện các nghị quyết về giám sát, chất vấn của Quốc hội tôi đề nghị phải nêu rõ vấn đề này", ông Phương nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.