Đề nghị đẩy nhanh thời gian sửa Hiến pháp

09/06/2010 16:55 GMT+7

(TNO) Thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011 tại Hội trường hôm nay (9.6), nhiều ĐBQH đề nghị nên rút ngắn thời gian sửa đổi Hiến pháp để bàn sửa đổi tại kỳ họp thứ 8, QH khóa XII thay vì chờ đến năm 2011.

Kiểm điểm việc rút luật "nhẹ tênh"

Đa số ĐBQH cho rằng việc Chính phủ đề nghị rút một số dự luật quan trọng khỏi chương trình làm luật tại kỳ họp này như Luật Thủ đô, Luật Biển, Luật Đầu tư công… thể hiện kỷ cương, kỷ luật chấp hành của các cơ quan soạn thảo chưa nghiêm.

ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) cho rằng, việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2008 Chính phủ đã xin rút khỏi chương trình 9 dự án luật, năm 2009 là 5 dự án luật ra khỏi chương trình và tại kỳ họp này cơ quan soạn thảo cũng đã xin rút ra khỏi chương trình của kỳ họp rất nhiều dự án luật cho thấy “việc chấp hành như vậy là chưa nghiêm, kỷ cương hành chính chưa được đề cao”.

Theo ĐB Hà, để xảy ra tình trạng trên là do hành vi không chấp hành nghiêm luật, pháp lệnh và nghị quyết của QH diễn ra kéo dài và liên tục, lặp đi lặp lại nhưng không một tổ chức, cá nhân nào bị xem xét xử lý trách nhiệm nên chủ thể mặc nhiên vi phạm.

Đồng quan điểm, ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cho rằng, đang có tình trạng cơ quan thẩm tra luật trở thành cơ quan… soạn thảo. Cuối cùng làm luật không xong Thường vụ QH “lãnh” hết, không thấy cơ quan nào giải trình tiếp thu.

“Tôi đề nghị tới đây chúng ta làm như thế nào để có biện pháp khắc phục cho được tình trạng tự tiện đưa vào rút ra. Đưa vào thì nói rất hay, thuyết minh rất tốt, rút ra thì không có lời nào”, ông Minh nhấn mạnh.

ĐB Lê Thị Dung (An Giang) cũng đề nghị làm rõ trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ QH trong việc chấp hành kỷ cương trình luật của Chính phủ, vì Ủy ban Thường vụ QH là cơ quan có trách nhiệm chuẩn bị chương trình, nội dung xây dựng luật và pháp lệnh.

Theo ĐB Dung, về việc chậm trễ trình luật của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ QH cần nêu tên tuổi, địa chỉ cụ thể, có tên cụ thể và yêu cầu các người đứng đầu các cơ quan soạn thảo phải thực hiện nghiêm túc, nêu gương. Cần duy lý hơn là duy tình mới có trật tự và kỷ cương.

Trước ý kiến của nhiều ĐBQH, Chủ tịch Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Văn Thuận thừa nhận: Trong việc điều chỉnh chương trình có trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ QH nhưng ông Thuận cũng cho biết dù Ủy ban Thường vụ QH đã lên sẵn chương trình các luật sẽ trình tại kỳ họp QH song đến phút chót, Chính phủ mới trình sang xin rút. Khó khăn đó, theo ông Thuận là xuất phát từ tình trạng "bắc nước chờ gạo người", chứ không phải là Ủy ban Thường vụ QH không có trách nhiệm.

Nên bàn sửa Hiến pháp từ kỳ họp thứ 8, QH khóa XII

ĐB Nguyễn Đăng Vang (Bình Định) cho rằng nếu Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp có thể được đưa vào chương trình chính thức vào cuối năm nay, tức là Khóa XII kỳ họp thứ 8 thì sẽ tốt hơn. Bởi vì việc sửa đổi Hiến pháp kịp thời sẽ phù hợp cho việc chuẩn bị bầu cử HĐND ở các cấp năm tới.

Cùng quan điểm, ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cũng đề nghị kỳ họp thứ 8 tới tập trung bàn sửa đổi Hiến pháp 1992, bởi vì lúc đó đã cận kề tổ chức Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI. “Chúng ta tập trung xây dựng dự thảo sửa đổi một số điều theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI tới đây, sửa Hiến pháp để chúng ta sửa lại tổ chức bộ máy chứ nếu để qua nhiệm kỳ XIII mới sửa thì sẽ phục vụ cho Quốc hội khóa XIV, Quốc hội khóa XIII không làm được nữa vì liên quan đến Luật Tổ chức Quốc hội, Tổ chức Chính phủ, UBND, HĐND các cấp, Luật Tổ chức Viện kiểm sát, tòa án... như vậy không phù hợp”, ông Minh lý giải.

Ngoài việc chuẩn bị cho sửa đổi Hiến pháp, ông Minh cũng đề nghị kỳ họp thứ 9 tới dành 5 - 7 ngày để thông qua Hiến pháp sửa đổi và mấy luật trên. Việc làm này theo ông Minh là cấp thiết, nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong thực thi các quy định hiện hành, “bởi vì chúng ta thí điểm bỏ HĐND cấp quận, huyện, phường mà thí điểm là động tới Hiến pháp, động tới Hiến pháp mà chưa sửa Hiến pháp thì tới đây thí điểm khó mà có hiệu lực”.

Về việc sửa đổi Hiến pháp 1992, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho biết, nếu sau khi tổng kết thí điểm không tổ chức HĐND cấp quận, huyện, phường tại 10 tỉnh, thành, QH không đồng ý tổ chức thí điểm nữa và được phép của Ban chấp hành Trung ương thì phải sửa Hiến pháp ngay trong kỳ họp cuối năm nay. Và chỉ sửa những nội dung liên quan đến tổ chức HĐND huyện, quận, phường để thực hiện thống nhất trong phạm vi cả nước.

“Nhưng sau lần sửa này có phải sửa nữa không, chắc chắn trong nhiệm kỳ sau chúng ta vẫn phải sửa đổi một cách căn cơ hơn các quy định của Hiến pháp để thực hiện cho được những đổi mới trong các văn kiện, các Nghị quyết của Đảng về mặt thể chế cũng như về các nội dung khác”, ông Thuận nhấn mạnh.

Nguyệt Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.