Nigeria hôm 18.3 đã triệu hồi Đại sứ nước này tại Libya để phản đối đề xuất “lạ” của ông Muammar Gaddafi. BBC dẫn thông cáo của Bộ Ngoại giao Nigeria nói chính phủ gọi ông Isa Aliyu Mohammed về để “thảo luận khẩn cấp vì những phát ngôn vô trách nhiệm của đại tá Gaddafi”. “Chúng tôi luôn cám ơn những bình luận thiện chí từ cộng đồng quốc tế”, thông cáo viết, “Nhưng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Nigeria là một điều thiêng liêng và phải được tôn trọng”.
Từ đầu năm đến nay, miền trung Nigeria mà cụ thể là bang Plateau chấn động vì hàng loạt vụ thảm sát khiến hàng trăm người thiệt mạng. Chính quyền trung ương gần như bất lực khi xung đột thường xuyên bùng phát tại khu vực “phân cách" giữa miền bắc của người Hồi giáo với miền nam của người Thiên Chúa giáo. Ngoài tôn giáo và sắc tộc, bạo lực còn bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân phức tạp về chính trị, xã hội và kinh tế tại quốc gia đông dân nhất châu Phi.
Hồi đầu tuần, đại tá Gaddafi tuyên bố Nigeria nên nhìn vào Nam Á để tìm giải pháp cho bất ổn, theo hãng tin JANA của Libya. Cộng đồng Hồi giáo vào năm 1947 đã tách khỏi Ấn Độ và thành lập nước Pakistan sau lịch sử thường xuyên đụng độ với đa số theo đạo Hindu. Ông Gaddafi ca ngợi sự kiện đó là một giải pháp “triệt để và lịch sử” để chấm dứt đổ máu. Lãnh đạo Libya đề nghị thành lập một quốc gia của người Thiên Chúa giáo tại miền nam lấy Lagos làm thủ đô còn người Hồi giáo sẽ lập quốc ở miền bắc và giữ thủ đô hiện tại là Abuja. Ông nói “hai nước” nên cùng chia sẻ các mỏ dầu khổng lồ và các tài nguyên khác.
Sau cuộc chia cắt năm 1947, cả Ấn Độ và Pakistan rơi vào tình trang hỗn loạn trong một thời gian dài với hàng trăm ngàn người thiệt mạng, hàng ngàn phụ nữ bị cưỡng hiếp và khoảng 12 triệu người mất nhà cửa. Đến nay giữa hai nước vẫn tồn tại nhiều xung khắc chưa thể giải quyết. Ngay tại Nigeria, nỗ lực ly khai của sắc tộc Igbo năm 1967 cũng gây ra một cuộc chiến giết chết hơn 1 triệu người.
Hãng tin AFP dẫn lời Ngoại trưởng Ozo Nwobu cáo buộc đại tá Gaddafi luôn tìm dịp “diễn kịch và gây sốc” để thu hút chú ý. “Không thể chấp nhận những bình luận như vậy từ một người luôn tuyên bố tìm kiếm sự thống nhất và hòa nhập cho châu Phi”, ông Nwobu nói. Phát biểu trước Quốc hội hôm 18.3, Chủ tịch Thượng viện David Mark còn gọi ông Gaddafi là “một gã điên”, theo báo chí Nigeria. Cùng ngày, Nigeria yêu cầu Liên minh châu Phi điều tra động cơ của nhà lãnh đạo Libya và liệu những tuyên bố của ông có liên hệ với “những kẻ đang xâm nhập và gây rối trong lãnh thổ Nigeria” hay không.
Tuy nhiên Nigeria cũng khẳng định không muốn căng thẳng lần này gây ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác với Libya. Quyền Tổng thống Nigeria - Goodluck Jonathan - đang bận rộn thành lập nội các mới để củng cố quyền lực trong cuộc tranh chấp với Tổng thống Amaru Yar'Adua đang bệnh nặng nên cũng sẽ không để tranh chấp ngoại giao gây thêm rắc rối.
Trọng Kha
Bình luận (0)