Đề nghị nghiêm cấm hoạt động tín ngưỡng kích động bạo lực, xâm hại động vật

08/09/2016 11:27 GMT+7

Ý kiến này được đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đưa ra tại phiên họp đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận về dự án luật Tín ngưỡng, tôn giáo diễn ra sáng 8.9.

Đại biểu Khánh dẫn chứng thời gian qua các lễ hội chém lợn, đâm trâu... diễn ra khá máu me, tàn bạo, gây phản cảm, mang màu sắc mê tín dị đoan, gây dư luận xấu trong và ngoài nước.
“Tại lễ hội chém lợn, người dân còn lấy tiền quết vào máu đem về để lên bàn thờ. Đây là hành vi mê tín, mất vệ sinh”, đại biểu Khánh nói.
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh bày tỏ tâm đắc với quy định người bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành hình phạt tù, người đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc có quyền sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo của mình.
Theo bà Khánh, trong bối cảnh việc thi hành án có nhiều vấn đề như hiện nay, những đối tượng này nếu được tiếp cận kinh sách tôn giáo sẽ giúp họ thay đổi nhận thức. Quy định này là cơ hội để các trại giam, cơ sở giáo dưỡng tạo điều kiện cho các đối tượng bị giam giữ, góp phần tích cực cải tạo phạm nhân.
Có rào cản trong việc công nhận tổ chức tôn giáo?
Liên quan đến việc công nhận tổ chức tôn giáo, trình bày báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết, nhiều đại biểu không nhất trí với quy định về điều kiện để một tổ chức được công nhận là tổ chức tôn giáo phải hoạt động ổn định trong 10 năm.
Ông Bình cho rằng, việc quy định tổ chức có đăng ký hoạt động tôn giáo sau một thời gian hoạt động ổn định mới được xem xét công nhận tổ chức tôn giáo là cần thiết. Điều này nhằm kiểm nghiệm thực tế hoạt động của tổ chức trước khi công nhận, bảo đảm tổ chức tôn giáo hoạt động ổn định, tồn tại lâu dài. Ông Bình cho biết, dự luật đã tiếp thu ý kiến đại biểu, quy định thời gian hoạt động ổn định của tổ chức là 5 năm.
Tuy nhiên, tiến sĩ Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội băn khoăn về cách giải thích của ông Phan Thanh Bình. “Giải thích theo cách sau một thời gian hoạt động ổn định mới được xem xét công nhận là không rõ ràng và sẽ làm cho bên ngoài có cảm giác là chúng ta tạo rào cản”, ông Lợi nói.
Theo ông Lợi, nếu đủ điều kiện quy định, căn cứ của pháp luật thì công nhận, không thì không công nhận. “Người ta đề xuất 10 năm thì giờ dự luật nói là 5 năm. Vậy căn cứ nào để quy định 10 năm, 5 năm? Nếu 1, 3 năm thì có được không? Điều này cần xem xét”, ông Lợi nói.

tin liên quan

Ở VN không xảy ra xung đột tôn giáo
Đây là ý kiến của thượng tướng Tô Lâm, Thứ trưởng Bộ Công an VN, trong buổi tiếp Đại sứ lưu động phụ trách tự do tôn giáo quốc tế David Saperstein (Bộ Ngoại giao Mỹ) sáng qua 29.3 tại Hà Nội.
Sau lễ hội phải báo cáo về nguồn thu tài chính
Liên quan đến quy định cấm lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi, đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) cho rằng, cần xác định rõ thế nào là lợi dụng để trục lợi.
Theo đại biểu Vượt, hiện nay ranh giới của việc trục lợi hay không rất khó phân biệt. Có tình trạng phổ biến là một số chức sắc tôn giáo tổ chức các hoạt động có nguồn thu lớn, nhiều đình chùa có thu nhập “kinh khủng”. Bên cạnh đó, nhiều “đại gia” cũng đầu tư xây dựng công trình tín ngưỡng lớn có nguồn thu rất cao. "Vậy bản chất của nó có là lợi dụng tín ngưỡng không? Cần được làm rõ”, đại biểu Vượt nói.
Về vấn đề này, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh tán đồng với quy định về quản lý, sử dụng nguồn thu từ việc tổ chức lễ hội tín ngưỡng. Theo quy định tại dự thảo, người đại diện, ban quản lý cơ sở tín ngưỡng có trách nhiệm quản lý và sử dụng đúng mục đích, công khai, minh bạch nguồn thu từ việc tổ chức lễ hội.
Quy định này cũng nêu rõ: trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày kết thúc lễ hội, người đại diện, ban quản lý cơ sở tín ngưỡng có trách nhiệm thông báo bằng văn bản đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trong đó nêu rõ tên lễ hội, nguồn thu, mục đích, cách thức sử dụng.
Theo đại biểu Khánh, quy định trên góp phần tăng cường quản lý nhà nước về sử dụng nguồn thu từ việc tổ chức lễ hội tín ngưỡng, làm cho người đại diện, cơ sở tín ngưỡng có trách nhiệm quản lý công khai, minh bạch, đúng mục đích, đáp ứng nguyện vọng của ngươi dân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.