Đề nghị phạt nặng gian lận đo lường

05/10/2011 01:07 GMT+7

Một trong những nội dung được các thành viên Ủy ban TVQH đặc biệt quan tâm khi thảo luận về dự thảo Luật Đo lường chiều 4.10 là nên xử phạt hành vi “đong gian” gấp 20 - 50 lần so với mức phạt đề xuất.

 

Sẽ phạt nặng các hành vi gian lận đo lường (ảnh chỉ có tính chất minh họa) - ảnh: Ngọc Thắng

Trong Báo cáo về một số vấn đề lớn của dự thảo Luật Đo lường do Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của QH Phan Xuân Dũng, đại diện cơ quan thẩm tra, trình tại phiên họp, có 2 luồng ý kiến về xử phạt hành vi vi phạm đo lường khi xin ý kiến các ĐBQH.

Cụ thể, có tới 43/50 đoàn ĐBQH (đã gửi ý kiến phản hồi) cho rằng mức xử phạt các hành vi gian lận đo lường như dự luật quy định còn quá nhẹ, cần nâng cao hơn nữa. Thậm chí, có ý kiến đề nghị nâng mức xử phạt lên 20 - 50 lần số tiền thu lợi bất chính. Ngoài xử phạt tiền, còn phải đình chỉ hoạt động đối với cơ sở cố tình vi phạm pháp luật về đo lường; công bố công khai cơ sở vi phạm trên các phương tiện truyền thông đại chúng để đảm bảo răn đe, ngăn ngừa tái phạm.

Nhóm ý kiến thứ 2, có 7/50 đoàn ĐBQH đề nghị chế tài xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật về đo lường phải nghiêm minh để bảo đảm tính răn đe, nhằm ngăn chặn các trường hợp tái phạm. Tuy nhiên, việc quy định mức xử phạt, tính toán số tiền thu lợi bất chính từ các hành vi gian lận trong đo lường cần phù hợp với các quy định hiện hành để đảm bảo tính thống nhất và khả thi của hệ thống pháp luật, hoặc để văn bản dưới luật hướng dẫn nhằm tránh chồng chéo, mâu thuẫn.

Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của QH đề nghị Ủy ban TVQH cho ý kiến về 2 phương án trên để trình ra QH tại kỳ họp thứ 2 tới. Theo dự luật Đo lường, mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính về đo lường được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính, trường hợp áp dụng mức phạt cao nhất theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính mà vẫn thấp hơn 5 lần số tiền thu lợi trong suốt quá trình vi phạm mà có thì mức phạt được áp dụng không quá 5 lần số tiền thu lợi đó. Tiền thu lợi do vi phạm mà có bị tịch thu theo quy định của pháp luật.

Bàn về vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho rằng không nên đưa mức xử phạt vi phạm hành vi đo lường một cách cụ thể vào dự luật này mà nên để Luật xử phạt vi phạm hành chính (sẽ được Ủy ban TVQH cho ý kiến tại phiên họp thứ 3 tới - PV) quy định để bảo đảm tính thống nhất chung về xử phạt hành chính trong quá trình thực hiện. Đồng tình với ý kiến này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cũng đề nghị nên quy định mức xử phạt hành chính cụ thể các hành vi gian lận đo lường trong Luật Xử phạt vi phạm hành chính, vì “nếu luật nào cũng quy định riêng về xử phạt thì khổ cho người thực thi luật. Người đi xử phạt vi phạm hành chính cầm một luật trong tay, không thể biết tất cả các luật khác có quy định gì khác về xử phạt nữa không để mà thực hiện cho đúng”.

Kết luận phiên họp, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu đề nghị quy định về nguyên tắc xử phạt nghiêm khắc hành vi gian lận đo lường trong dự luật này đủ sức răn đe vi phạm, còn mức xử phạt sẽ có quy định đặc thù trong Luật Xử phạt vi phạm hành chính và giao Chính phủ quy định cụ thể về mức độ xử phạt các hành vi gian lận sau khi luật ban hành.

Theo nghị trình, dự luật Đo lường sẽ được Ủy ban TVQH hoàn chỉnh để trình QH xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 2 tới.

Cần nghiêm cấm hành vi xả lũ tùy tiện của các công trình thủy điện

Cũng trong chiều 4.10, Ủy ban TVQH cho ý kiến về dự luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Trong phạm vi điều chỉnh của dự luật, Chính phủ trình 2 phương án: phương án thứ nhất không bao gồm vấn đề phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nguồn nước gây ra và phương án 2 có nội dung này. Ủy ban Kinh tế của QH, cơ quan thẩm tra dự luật, đề nghị đưa nội dung phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra vào phạm vi điều chỉnh của luật. Đồng thời, đề nghị bổ sung thêm nội dung nước biển ven bờ vì “đây là vùng nước có liên quan chặt chẽ và có tác động đến nguồn nước trên đất liền, chịu ảnh hưởng từ hoạt động của con người”. Tuy nhiên, qua thảo luận, một số ý kiến đề nghị không nên đưa nước biển ven bờ vào phạm vi điều chỉnh của dự luật này mà để quy định trong một luật khác về tài nguyên biển, đảo.

Liên quan đến các hành vi bị cấm nêu trong điều 8, chương I của dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai dẫn lại vấn đề xả lũ từ các công trình thủy điện gây ngập lụt hạ du mà năm nào các ĐBQH cũng đưa ra chất vấn tại các kỳ họp QH, và đặt vấn đề phải giao trách nhiệm điều tiết việc xả lũ của các nhà máy thủy điện nhỏ và vừa cho một cơ quan đầu mối nào đó chứ giao cho tỉnh là “không ổn”. Nếu không thì phải ghi rõ và đưa vào danh mục các điều cấm (hành vi xả lũ tùy tiện ở các công trình thủy điện - PV) vào nội dung dự luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Dự luật Tài nguyên nước (sửa đổi) gồm 10 chương, 85 điều, trong đó có 36 điều được bổ sung mới toàn bộ về nội dung và có 49 điều được sửa đổi, bổ sung nội dung. So với Luật Tài nguyên nước hiện hành, dự luật tăng 10 điều, tập trung vào các nội dung như bổ sung cụ thể về các biện pháp phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước; kế hoạch phòng, chống ô nhiễm nguồn nước và phục hồi các nguồn nước bị ô nhiễm, suy thoái; bổ sung các quy định về tiết kiệm nước…

Bảo Cầm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.