(TNO) Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đứng ra mua các ngân hàng thua lỗ với giá 0 đồng và gánh toàn bộ những khoản nợ cần có sự giám sát của Quốc hội.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa phát biểu tại nghị trường chiều nay - Ảnh: Ngọc Thắng
|
Theo ĐB Trương Trọng Nghĩa, tham nhũng trong lĩnh vực ngân hàng âm vào tiền gửi của dân hàng chục ngàn tỉ, NHNN đứng ra mua 0 đồng, đồng thời gánh toàn bộ những khoản nợ đó. Nếu vài năm tới không thể xóa lỗ được thì Nhà nước phải trả toàn bộ số tiền này.
“Cử tri cho rằng việc gánh nợ cho mấy ông tham nhũng, dù cần thiết, nhưng không thể coi đó là chuyện bình thường. Biết là có Nhà nước gánh nợ, nên người gửi tiền yên tâm, không rút tiền, nhưng những người dân không gửi tiền vào các ngân hàng thua lỗ ấy thì họ không chịu, vì ngân sách cũng là tiền thuế của họ”, ĐB Trương Trọng Nghĩa nói.
Ông Nghĩa đề nghị việc này cần có sự giám sát của Quốc hội. “Quốc hội hỗ trợ NHNN, để NHNN làm một mình thì nặng nề, vất vả quá”, ĐB Nghĩa nói. Theo ĐB Nghĩa, việc mua ngân hàng liên quan đến sử dụng tài sản Nhà nước và tiền ngân sách, Quốc hội phải giám sát.
“Đây chính là thực hiện nguyên tắc kiểm soát quyền lực. Quốc hội phải nhập cuộc và cùng chịu trách nhiệm, không thể nói đó chỉ công việc của Chính phủ, đến khi xảy ra hậu quả nghiêm trọng thì mới yêu cầu xử lý”, ĐB Nghĩa đề nghị.
Theo ĐB Trương Trọng Nghĩa, hội nhập phải đi kèm bảo vệ an ninh quốc gia, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ và tự chủ kinh tế. Đây không phải là yêu cầu chỉ của nước ta, mà của tất cả các nước.
Ông Nghĩa cũng lưu ý cần có đối sách trước các hiện tượng nước ngoài tiến hành hoạt động thương mại, đầu tư, tín dụng, tạo ra nguy cơ xâm phạm an ninh, chủ quyền, nhất là khi có xung đột, chiến tranh.
Hành vi tiêu cực của lãnh đạo có tác dụng lan truyền
Liên quan đến trách nhiệm người đứng đầu, ĐB Trương Trọng Nghĩa cho rằng, Đảng đã xác định đúng nhưng cần triệt để trong việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu.
“Chỉ cần người đứng đầu, cấp trên, người nắm quyền lực ở mỗi vị trí, mỗi cấp gương mẫu, kiên quyết, nghiêm khắc thì mọi việc sẽ tốt hơn lên rất nhiều. Người lãnh đạo phải trọng dụng, gần gũi, lắng nghe trung thần, xa lánh, cảnh giác trước nịnh thần, nghiêm trị gian thần. Nhưng trên thực tế thì có hiện tượng ngược lại: xa lánh, nghiêm trị trung thần, lắng nghe, trọng dụng nịnh thần, gần gũi gian thần”, ĐB Nghĩa nói.
Theo ĐB Nghĩa, mỗi hành vi tiêu cực của người lãnh đạo bao giờ cũng có tác động xấu lan truyền, người tốt thì họ chê bai, lên án, mất niềm tin vào lãnh đạo, người xấu thì họ lợi dụng “té nước theo mưa”.
“Đại hội 12 tới đây, cử tri đề nghị Đảng phải kiên quyết loại trừ những người lãnh đạo thiếu gương mẫu, suy thoái về đạo đức vì nhân sự là khâu quyết định của mọi vấn đề”, ĐB Nghĩa nhấn mạnh.
Bình luận (0)