Đề nghị rút gọn một số bước khi hiệp thương giới thiệu người ứng cử

06/07/2011 14:43 GMT+7

(TNO) Sáng 6.7, tại Hà Nội, Bộ Nội vụ đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác bầu cử đại biểu quốc hội (ĐBQH) khóa XIII và bầu cử ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016.

Theo Thứ trưởng thường trực Bộ Nội vụ Trần Hữu Thắng, cuộc bầu cử đã được tổ chức thành công, đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị là đảm bảo dân chủ, đúng luật, an toàn và tiết kiệm.

Bên cạnh nhiều kết quả đạt được, Bộ Nội vụ cũng chỉ ra những hạn chế trong quá trình thực hiện các quy trình bầu cử vừa qua, đó là tài liệu hướng dẫn bầu cử có nội dung còn thiếu đồng bộ, hướng dẫn chưa thống nhất; công tác tổ chức hiệp thương thực hiện tốt song còn một số nơi làm chưa kỹ lưỡng, nặng về cơ cấu mà chưa thật sự chú trọng đến chất lượng người ứng cử, nhất là cấp xã, nên cá biệt có trường hợp phải rút người ứng cử dẫn đến giảm số ĐB đã được ấn định.

Ngoài ra, theo ông Thắng, công tác chỉ đạo thực hiện một số nơi thiếu quyết liệt, sâu sát, công tác chuẩn bị nhân sự có nơi còn làm chưa kỹ, vì vậy kết quả bầu cử cá biệt có một số cán bộ chủ chốt của cả 3 cấp được giới thiệu ra ứng cử nhưng không trúng cử.

Đáng chú ý, “một số nơi, thành viên các tổ bầu cử không đủ năng lực, phẩm chất đạo đức, chưa nắm vững kỹ năng, nghiệp vụ thực hiện công tác bầu cử nên đã vi phạm pháp luật, dẫn đến phải hủy kết quả bầu cử”.

Từ các bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình tổ chức cuộc bầu cử vừa qua, Bộ Nội vụ kiến nghị cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn thi hành quy trình tổ chức bầu cử, nhất là quy trình hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử ĐBQH và ĐB HĐND các cấp theo hướng rút gọn một số bước, một số khâu để đảm bảo tốt hơn quyền của nhân dân, cử tri trong việc lựa chọn, giới thiệu, quyết định việc giới thiệu và bầu người đủ tiêu chuẩn, điều kiện làm ĐBQH và ĐB HĐND các cấp.

Đặc biệt, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật bầu cử theo hướng quy định cụ thể, chú trọng các tiêu chuẩn về kiến thức chuyên môn, trình độ văn hóa và điều kiện thực hiện nhiệm vụ của ĐBQH, ĐB HĐND, về điều kiện ứng cử ĐBQH và ĐB HĐND các cấp.

Đồng thời cần bổ sung các quy định cụ thể, các điều kiện ứng cử, nhất là đối với người tự ứng cử để đảm bảo chặt chẽ về quy trình thực hiện, tránh tình trạng không đủ tiêu chuẩn vẫn đăng ký ứng cử, khó khăn cho các cơ quan có thẩm quyền trong hiệp thương, lựa chọn giới thiệu người ứng cử.

Bộ Nội vụ cũng kiến nghị Luật cần quy định thời điểm kết thúc việc bỏ phiếu sớm hơn, có thể kết thúc vào 17 giờ trong ngày bầu cử, trường hợp đặc biệt không quá 21 giờ để tạo điều kiện cho tổ bầu cử tiến hành sớm việc kiểm phiếu. Quy định cụ thể các vi phạm pháp luật phải hủy bỏ kết quả bầu cử, các trường hợp phải tổ chức bầu cử lại, bầu thêm, bầu bổ sung… để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện của các cơ quan trung ương và các cấp chính quyền địa phương.

Bảo Cầm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.