Trong tờ trình, Bộ NN và PTNT cho biết, dù là nước xuất khẩu gạo đứng thứ 2 thế giới, song đến năm 2007, trên địa bàn toàn quốc vẫn còn 6,7% hộ thiếu đói lương thực và hiện còn khoảng 1 triệu đồng bào miền núi vẫn thiếu gạo thường xuyên, phải ăn ngô, sắn thay cơm. Bộ NN và PTNT nhận định, dân số tiếp tục tăng, theo dự báo, đến năm 2020, dân số nước ta sẽ có khoảng 100 triệu người và dần ổn định vào khoảng 120 triệu người sau năm 2030, trong khi đó diện tích trồng lúa ngày càng giảm. Theo tính toán, từ nay đến năm 2020, nông dân cả nước sẽ mất ít nhất 270 ngàn ha đất trồng lúa để phục vụ phát triển cơ sở hạ tầng, công nghiệp, dịch vụ và đô thị hóa. Từ năm 2020 - 2030, sẽ có thêm khoảng 55 ngàn ha đất trồng lúa chuyển thành đất phi nông nghiệp.
Theo tờ trình, Bộ NN và PTNT khẳng định sẽ phấn đấu chấm dứt tình trạng thiếu đói lương thực vào năm 2012. Từ nay đến năm 2020, cả nước phải duy trì tối thiểu 3,5 triệu ha đất trồng lúa để có sản lượng 39 - 40 triệu tấn thóc/năm; 1,3 triệu ha ngô, sản lượng 7,5 triệu tấn/năm; đàn lợn có 35 triệu con, đàn gia cầm có 360 triệu con... đồng thời phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản và phát triển hệ thống lưu thông lương thực đảm bảo thuận lợi cho người tiêu dùng.
Cũng trong đề án, Bộ NN và PTNT đề nghị sửa đổi một số nội dung của Luật Đất đai năm 2003 liên quan đến đất trồng lúa; điều chỉnh, khuyến khích phát triển công nghiệp, đô thị, hạ tầng trên đất không phải là đất lúa, nhất là lúa hai vụ; nâng mức hạn điền, kéo dài thời gian giao đất, cho thuê đối với người sử dụng đất lúa để khuyến khích tích tụ ruộng đất, sản xuất lúa hàng hóa, đầu tư cơ sở hạ tầng để thâm canh và nâng cao độ phì của đất; tăng thuế chuyển mục đích sử dụng đất chuyên lúa sang mục đích phi nông nghiệp, tiếp tục miễn thủy lợi phí cho toàn bộ diện tích trồng lúa.
Quang Duẩn
Bình luận (0)