Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) đã đề nghị tại phiên thảo luận của Quốc hội sáng nay 1.4: Thủ tướng mới cần có lời tuyên thệ thể hiện quyết tâm phòng chống tham nhũng, lãng phí.
ĐBQH Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) - Ảnh : Ngọc Thắng |
Sáng nay (1.4), Quốc hội đã thảo luận về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 và kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020.
Sau 5 năm mới có “kết quả ban đầu” là yếu kém
Theo đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước), cần xem xét lại đánh giá “tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức hợp lý” trong báo cáo của Chính phủ. “Thế nào là hợp lý? Hợp lý theo tiêu chuẩn nào? Đánh giá như trên còn nặng cảm tính. Phải chăng đây là cách tự an ủi mình khi không đạt mục tiêu tăng trưởng như kế hoạch đã đề ra?”, ông Hùng đặt câu hỏi. Theo ông Hùng, điều này cần được xem xét lại đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đã chấp nhận nợ công ngày càng cao để duy trì tăng trưởng kinh tế .
Ông Hùng cho rằng, đánh giá của Chính phủ về việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng “đạt được kết quả bước đầu” là đúng. Tuy nhiên những kết quả đó sau 5 năm có phải có bước tiến hay không. “Theo tôi đó là sự chuyển biến chậm chạp. Đây phải là sự yếu kém mới đúng”, ông Hùng nhận định.
Ông Hùng cho rằng, thực tiễn đặt ra cần có sự đổi mới năng động, kịp thời và chủ động hơn. “Đề nghị Chính phủ 5 năm tới phải có giải pháp kiên quyết tích cực hơn trong vấn đề này”, ông Hùng nêu ý kiến.
Theo ông Hùng trong 5 năm tới, vấn đề phòng chống tham nhũng, lãng phí phải được đặt ra hàng đầu trên cơ sở nhận thức tham nhũng, lãng phí là mối nguy hiểm đến sự hưng thịnh của quốc gia.
Theo ông Hùng, báo cáo của Chính phủ đánh giá “công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí được chú trọng”, về phương hướng nhiệm vụ giải pháp đề ra “đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí”. Cách đề cập “đẩy mạnh, chú trọng” này là chưa đủ mạnh mẽ tích cực và chưa đúng tầm.
Thủ tướng tuyên thệ chống tham nhũng
Ông Hùng đề nghị nhiệm kỳ tới Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ phải đặt nhiệm vụ phòng chống tham nhũng, lãng phí lên hàng đầu, vì nhiệm kỳ này Quốc hội đã thông qua luật phòng chống tham nhũng, lãng phí nhưng việc triển khai chưa quyết liệt, kết quả chỉ dừng ở “thắt chặt, đẩy mạnh”.
Theo ông Hùng, tình hình tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp hơn, quy mô và phạm vi mở rộng hơn. Tham nhũng không chỉ ở lĩnh vực kinh tế mà lan rộng sang cả các lĩnh vực khác như chính sách, cán bộ. “Tham nhũng không còn đơn lẻ mà có những mối liên kết phức tạp, vững chắc, không chỉ ở một cấp. “Tham nhũng đã trở hành vi bình thường, thành “thông lệ”. Thật nguy hiểm”, ông Hùng nhận định
Cũng theo ông Hùng, trong khi công tác phòng chống tham nhũng có một số kết quả thì chống lãng phí lại hầu chưa có kết quả gì, chưa có ai bị sa thải, kỷ luật vì lãng phí. Chính phủ phải có đánh giá thẳng thắn về công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí 5 năm qua. Bên cạnh đó trong phương hướng sắp tới phải coi phòng chống tham nhũng, lãng phí là một nhiệm vụ đặc biệt, có những giải pháp đồng bộ hoàn thiện thực hiện với quyết tâm cao hơn.
Ông Hùng đề nghị trong kỳ họp này, sau khi Thủ tướng Chính phủ mới được bầu, khi nhậm chức Thủ tướng cần có lời tuyên thệ thể hiện quyết tâm phòng chống tham nhũng, lãng phí cũng như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tuyên bố rõ ràng mạnh mẽ về tình hình Biển Đông.
“Nói cách khác, hãy coi phòng chống tham nhũng, lãng phí cũng như chống nội xâm, coi quyết tâm phòng chống tham nhũng lãng phí như quyết tâm bảo vệ Tổ quốc", ông Hùng nhấn mạnh.
Mời gọi đầu tư theo kiểu “trên trải thảm, dưới trải đinh”
Đề cập đến những vấn đề còn tồn tại trong môi trường đầu tư kinh doanh, đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) cho rằng trong bối cảnh Việt Nam tích cực kêu gọi đầu tư nhưng vẫn còn tình trạng “trên trải thảm, dưới rải đinh”, khiến cho “ các nhà đầu tư đi trên thảm nhung nhưng vẫn nhức nhối vì hàng đinh ở dưới”. Theo ông Tiến, chủ trương, chính sách chung của Việt Nam mời gọi các nhà đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội nhưng trong khâu thực hiện giống như những rào cản, barie làm vô hiệu hóa. Dẫn chứng lại một số vụ việc xảy ra thời gian vừa qua, nhiều nơi làm khó cho các nhà đầu tư như: cắt điện, cắt nước, dựng rào, chắn cổng... tình trạng người thi hành công vụ vòi vĩnh, nhũng nhiễu, đòi tiền lót tay, bôi trơn, đã làm cho các doanh nghiệp khốn đốn, doanh nhân nản lòng. Theo ông Tiến nạn tham nhũng trong môi trường công vụ như một "điểm đen" đau xót trên cơ thể nhiều bệnh của nền kinh tế đất nước. Làm thế nào để có môi trường sạch cho Việt Nam cất cánh? Chỉ khi giải quyết được những tồn tại nói trên thì mới có thể trả lời được câu hỏi này. |
Bình luận (0)