Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an vừa kết luận điều tra vụ án giả mạo trong công tác xảy ra tại Trung tâm khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản (Trung tâm 3K) thuộc Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), đồng thời chuyển hồ sơ đến Viện KSND tối cao đề nghị truy tố 7 bị can thuộc trung tâm này, gồm: Bùi Đức Quý, nguyên Giám đốc trung tâm; Nguyễn Thị Hà, nguyên cán bộ văn phòng; Đỗ Thị Hà, nguyên cán bộ phòng khảo nghiệm; Nguyễn Văn Dũng, nguyên cán bộ phòng kiểm nghiệm, kiểm định; Nguyễn Huy Bàn, nguyên cán bộ văn phòng; Vũ Thị Thu, nguyên cán bộ Trung tâm miền Đông Nam bộ và Lê Tuấn Anh, nguyên Phó phòng Hành chính quản trị, văn phòng Tổng cục Thủy sản.
Theo kết luận điều tra, trong thời gian từ năm 2014 đến tháng 3.2015, các bị can nguyên là lãnh đạo và cán bộ Trung tâm 3K, Văn phòng Tổng cục Thủy sản đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái chức trách, cấu kết cùng tham gia làm và phát hành 6 văn bản giả mạo của Tổng cục Thủy sản cấp phép 946 sản phẩm thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường của 107 doanh nghiệp vào danh mục được phép lưu hành tại VN trái quy định, nhằm hưởng lợi bất chính cá nhân với tổng số tiền hơn 7,3 tỉ đồng... Việc làm của các bị can đã làm ảnh hưởng đến chính sách phát triển kinh tế về nuôi trồng thủy sản, gây khó khăn cho các cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm soát lưu hành sản phẩm thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường thủy sản, dẫn đến hệ lụy và khả năng gây thiệt hại cho người nuôi trồng thủy sản nếu họ mua và sử dụng các sản phẩm không đủ điều kiện lưu hành.
tin liên quan
Xem xét khởi tố vụ giả giấy tờ kiểm định thủy sảnPhó thủ tướng Trương Hòa Bình vừa yêu cầu xem xét, điều tra vụ việc vi phạm pháp luật về việc làm giả giấy tờ kiểm định xảy ra ở cơ quan thuộc Tổng cục Thủy sản.
Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an xác định Bùi Đức Quý với vai trò là giám đốc, người đứng đầu Trung tâm 3K, là người chịu trách nhiệm cao nhất trong việc ký, phê duyệt hồ sơ thẩm định sản phẩm trước khi trình lãnh đạo Tổng cục Thủy sản, ký công văn cấp phép. Quý cũng thừa nhận đã duyệt, ký tất cả các phiếu thẩm định; duyệt, ký nháy các phụ lục trong 6 công văn mà không kiểm soát các phụ lục được ban hành. Quý biết rõ sai phạm nhưng vẫn mặc cho các chuyên viên cấp dưới thực hiện để hưởng lợi bất chính 912 triệu đồng. Đỗ Thị Hà lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn được giao đã thỏa thuận với các doanh nghiệp phải nộp chi phí từ
5 - 25 triệu đồng/sản phẩm để đưa sản phẩm vào danh mục được phép lưu hành. Đỗ Thị Hà cùng Nguyễn Huy Bàn cắt dán chữ ký của ông Nguyễn Huy Điền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, sau đó photocopy, nhân bản công văn rồi đóng dấu và phát hành. Qua đó, Đỗ Thị Hà thu lợi bất chính hơn 3,1 tỉ đồng... Thái Sơn
Bình luận (0)