Ông Đỗ Danh Phương - Tổng biên tập Báo Người Lao Động vừa có văn bản gửi Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao và Bộ trưởng Bộ Công an đề nghị “xem xét lại kết quả điều tra vụ sát hại nhà báo Lê Hoàng Hùng xảy ra vào rạng sáng ngày 19.1.2011, hiện đang được TAND tỉnh Long An thụ lý, chuẩn bị đưa ra xét xử sơ thẩm, để tránh bỏ lọt tội phạm”.
Theo đó, các cơ quan tố tụng tỉnh Long An đã không đưa lời sinh cung của bị hại Lê Hoàng Hùng vào hồ sơ vụ án. Trước, trong và sau khi ông Hùng bị phóng hỏa, ông Nguyễn Văn Tâm (nguyên Đội trưởng Đội QLTT số 5, Chi cục QLTT Long An) đã nhiều lần đến nhà gặp bà Liễu để động viên, hướng dẫn bà Liễu cách khai nhằm đối phó với cơ quan điều tra. Ngoài ra, ông Tâm có hơn 1.000 lần gọi điện và nhắn tin vào số điện thoại của bà Liễu.
Trong một báo cáo gửi Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh Long An đã xác định ông Tâm có dấu hiệu che giấu tội phạm. Tuy nhiên, cơ quan điều tra đã không làm rõ nội dung của những cuộc gọi và tin nhắn bất thường này. Việc tiến hành thực nghiệm điều tra của Cơ quan CSĐT - Công an tỉnh Long An là chưa phù hợp với quy định của pháp luật; chưa phù hợp với hiện trường vụ án. Ngoài ra, lời khai của nhân chứng, người liên quan và bị can còn rất nhiều mâu thuẫn nhưng chưa được các cơ quan tố tụng tiến hành đối chất, xác minh...
Hoàng Phương
>> Vụ nhà báo Lê Hoàng Hùng bị sát hại: Những tình tiết cần được làm rõ
>> Vụ nhà báo Hoàng Hùng bị sát hại: Trả hồ sơ để bổ sung chứng cứ
>> Vụ nhà báo Hoàng Hùng bị sát hại: Cần làm rõ hơn 1.000 cuộc gọi và tin nhắn
>> Truy tố bị can Trần Thúy Liễu tội giết người
Bình luận (0)