Thiếu một hành lang pháp lý chuẩn mực, đầy đủ
Theo ông Nguyễn Anh Trí, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.Hà Nội, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học truyền máu T.Ư, có thực tế đang phổ biến tại các BV công, đó là thiếu vật tư y tế, thiếu thuốc men, sinh phẩm, trang thiết bị y tế.
Đấu thầu mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế cần đủ hành lang pháp lý để bệnh viện có thể mua sắm mà không sợ sai |
DUY TÍNH |
Theo ông Trí, mọi người cho rằng vì bây giờ nhiều cán bộ y tế gặp sai phạm, dẫn đến cán bộ y tế sợ không dám làm.
“Từng làm công tác quản lý trong ngành y và cũng là ĐBQH, tôi nhận thấy một điều, nguyên nhân sâu xa là trong hệ thống pháp luật của chúng ta vẫn còn nhiều chỗ còn thiếu, bất cập, không cập nhật kịp với tình hình. Thực ra, cán bộ y tế đã được cử làm quản lý thì tôi biết họ không phải kém, và không phải ai cũng xấu cả. Nhưng vì lâu nay chúng ta thiếu một hành lang pháp lý chuẩn mực, đầy đủ, cho nên họ làm bị vướng, bị sai. Nhất là chống dịch như chống giặc, rồi cứu bệnh như cứu hỏa, toàn những việc rất gấp cho nên rất dễ bị sai”, ông Trí chia sẻ.
Ông Trí cho rằng biện pháp trước mắt là các cơ quan quản lý từ cấp bộ đến Chính phủ phải nhanh chóng bổ sung, sửa chữa, điều chỉnh dựa trên cơ sở của Nghị quyết 12 của Ủy ban Thường vụ QH và Nghị quyết 43 của QH để tháo gỡ ngay.
“Hiện hành lang pháp lý chính thức là chưa có, nhưng cơ sở để điều chỉnh là có rồi. Rất mong các bộ, đặc biệt là Bộ Y tế, Chính phủ và một số bộ, ngành nữa kịp thời làm ngay việc này để bảo đảm sự yên tâm cho các cán bộ quản lý của ngành y tế triển khai công việc, để có thuốc phục vụ người bệnh...”, ông Trí nói.
Còn giải pháp lâu dài, theo ông Trí, phải rà soát lại tất cả hệ thống pháp luật, văn bản pháp luật đã có, kịp thời nâng cấp, bổ sung những quy định để những người làm công tác quản lý yên tâm với hành lang pháp lý chính thức. Đồng thời, cần có hành lang pháp lý chắc chắn để cho người làm công tác quản lý nếu có lòng tham, định tư túi cũng không có cơ hội.
Lợi ích cuối cùng là lợi ích cho người bệnh
Về việc vực dậy tinh thần cán bộ y tế để khám chữa bệnh, ông Trí cho biết đây là vấn đề rất quan trọng, thậm chí ở giai đoạn này thì đây là những việc làm mang tính quyết định.
“Chính phủ rất cần thiết phải vào cuộc ngay, để trước hết phải động viên, hướng dẫn, tạo điều kiện để những người quản lý trong ngành y tế thấy được việc tốt, việc đúng phải làm ngay, còn việc xấu, việc sai trái thì phải tránh ngay. Nhân dân, xã hội, cộng đồng cũng nên hết sức chia sẻ với ngành y tế lúc này. Bởi đả kích thì rất dễ và nghe thì cũng rất sướng, nhưng sự chia sẻ mới là vô cùng cần, để người cán bộ quản lý ngành y tế vững tâm, bình tâm trở lại và an yên làm việc. Chúng ta phải thấy lợi ích cuối cùng là lợi ích cho người bệnh. Nếu để cho cán bộ quản lý ngành y tế còn lo lắng như thế này, còn ngần ngại như thế này thì tác hại, ảnh hưởng lớn nhất vẫn là người bệnh”, ông Trí nói.
“Vụ Việt Á có thể nói là một scandal rất lớn trong ngành y, để lại một hệ lụy khủng khiếp chưa từng có tiền lệ từ trước đến nay. Nó mang đến tâm lý nặng nề, buồn bã, cả đau đớn đối với những người công tác trong ngành y.
Những người sai phạm trong ngành y dẫu sao cũng chỉ là một bộ phận nhỏ, là những con sâu trong nồi canh, còn lại hàng nghìn cán bộ y bác sĩ, nhân viên y tế không dính dáng gì đến vụ Việt Á, vẫn giữ được phẩm chất, vẫn ngày đêm khám chữa bệnh cứu người thì họ vẫn cần phải được tôn trọng đúng mực.
Tôi cho rằng, những lúc như thế này cần phải có sự quan tâm, động viên của các cấp, ngành, chính quyền các địa phương với ngành y, để giúp ngành y vượt qua khó khăn và tránh tâm lý sụp đổ, buồn bã, không ai muốn làm, không ai dám làm gì. Ít nhất thì cũng phải để đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế ở đúng tâm thế của mình để họ yên tâm công tác.
Ngành y chao đảo thì chính các người bệnh là đối tượng phải chịu thiệt thòi. Y bác sĩ chao đảo, dao động thì sẽ ảnh hưởng đến việc khám chữa bệnh. Thế nên, lúc này càng rất cần sự động viên với ngành y, với những cán bộ nhân viên y tế, cả về vật chất lẫn tinh thần, nhất là phải tạo mọi điều kiện để ngành y hoạt động.
Mỗi cán bộ nhân viên y tế, những người công tác trong ngành y tế cũng cần phải nhận thức rõ vị trí và vai trò của mình, không phải vì sai phạm của những lãnh đạo trong ngành mà hoang mang dao động, mà không dám làm gì. Tôi được biết có nhiều BV hết thuốc chữa bệnh mà không dám đấu thầu mua thuốc, nhập thuốc. Những quy định về đấu thầu thuốc, mua sắm vật tư y tế đều đã có đầy đủ, trước khi xảy ra vụ Việt Á chúng ta vẫn đang làm tốt, không thể vì vụ Việt Á mà giờ không làm.
Một điều rất quan trọng nữa là phải sớm kiện toàn nhân sự lãnh đạo ngành y. Cá nhân tôi mong muốn làm sao chọn được người đứng đầu ngành y tế thực sự là người có đức, có tài, có trách nhiệm để đưa ngành y vượt qua sóng gió hiện nay, củng cố lại ngành trong thời gian tới”.
Ông Phạm Văn Hòa, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật Quốc hội
Lê Hiệp (ghi)
Bình luận (0)