Nền kinh tế của Zimbabwe vốn đã kiệt quệ nay gần như chạm đến đáy khi Ngân hàng trung ương tuyên bố chấm dứt sử dụng đồng bản tệ. Và sức khỏe của Tổng thống Robert Mugabe cũng ngày càng xuống dốc, dấy lên những đồn đoán về người kế vị “ngai vàng” gần 3 thập niên của nhà lãnh đạo 91 tuổi này. Mọi con mắt đều đổ về đệ nhất phu nhân Grace Mugabe - người sở hữu rất nhiều “danh hiệu” và được cho là đang nhắm đến danh hiệu mới: Tổng thống.
|
Cơn bão mang tên Grace
Kể từ khi đất nước phía nam châu Phi này giành độc lập từ Anh năm 1980, Liên minh Quốc gia châu Phi Zimbabwe - Mặt trận Yêu nước (ZANU-PF) của người từng đứng đầu nhóm nổi dậy chống lại sự thống trị của người da trắng Robert Mugabe luôn là đảng chính trị chủ chốt. Và không ai khác ngoài ông Mugabe đứng đầu đất nước này suốt từ đó đến nay (ban đầu là thủ tướng, sau chuyển sang tổng thống). Nếu sự thống trị của ông Mugabe được phương Tây xem là độc tài thì sự xuất hiện của người phụ nữ trẻ hơn ông những 41 tuổi cuối năm 2008 đánh dấu những “thay đổi” lớn không chỉ trong cuộc đời ông mà còn trong cuộc sống chính trị ở Zimbabwe.
Tiếng sét ái tình ập đến khi nhân viên đánh máy trẻ tuổi Grace lọt vào mắt xanh của ngài tổng thống có người vợ gốc Ghana đang nằm liệt giường, chờ ngày tử thần gõ cửa. Ban đầu gái một con Grace khá lúng túng vì “với tôi ông ấy không khác gì một người cha. Tôi không nghĩ rằng ông ấy lúc nào cũng nhìn tôi và nói: Tôi thích cô gái ấy”. Hơn nữa, đệ nhất phu nhân lúc đó là Sally Mugabe từ năm 1961 luôn chiếm được vị trí đặc biệt trong tim người dân Zimbabwe. Sự lưỡng lự ấy nhanh chóng tan biến, nhường chỗ cho một mối tình say đắm khi Grace đâm đơn ly dị chồng và khi Sally, theo lời của ông Mugabe, chấp thuận dù phải đến năm 1992 bà mới qua đời. Họ có 2 con với nhau và sinh thêm một đứa nữa vào năm 1997 khi ông Mugabe đã 73 tuổi, 1 năm sau lễ cưới xa hoa được báo chí trong nước gọi là “đám cưới thế kỷ”.
Sau khi lo xong việc nhà, Grace lập tức trở thành một nữ doanh nhân quyền lực khi cùng với chồng sở hữu trang trại và nhà máy sữa lớn thứ 2 ở vùng nam châu Phi, đồng thời nổi lên với vai trò một người làm từ thiện khi mở trại mồ côi ngay tại trang trại này. Grace xuất hiện ở đâu là ở đó có “sóng gió”, nhất là khi bà muốn có đất. Ông Mugabe từ giữa thập niên 1980 được cấp một mảnh đất lớn ở vùng ngoại ô thủ đô Harare nhưng nó cứ nằm im thế tới khi Grace nhúng tay vào. Và đến nay đệ nhất gia đình này đã bành trướng danh mục bất động sản của họ từ Zimbabwe đến tận Malaysia, Hồng Kông - nơi mà con gái Bona của họ theo học với một tên giả để tránh sự phản đối ở trong nước. Người ta đồn rằng khi phát hiện ra điền trang rộng hơn 1.000 ha thuộc sở hữu một cặp vợ chồng lớn tuổi, bà Grace lập tức xuất hiện với lực lượng thi hành được trang bị vũ trang, với tuyên bố họ có 48 tiếng đồng hồ để rời khỏi nhà hoặc nếu không sẽ bị bắt. Một chính trị gia giấu tên bình luận: “Nếu bà ấy muốn gì thì bà ấy chỉ việc nói với mọi người rằng bà sẽ lấy được nó”.
|
Đệ nhất mâu thuẫn
Ở một đất nước mà 35 triệu tỉ đô Zimbabwe đổi được 1 đô la Mỹ và tỷ lệ thất nghiệp đứng hàng cao nhất thế giới 80 - 90% thì đệ nhất phu nhân gốc Nam Phi của họ lại được báo chí gọi là “Đệ nhất mua sắm”, hay “Gucci Grace” (Gucci là một thương hiệu thời trang cao cấp của thế giới) hay đơn giản là “Dis Grace” (“disgrace” trong tiếng Anh nghĩa là điều ô nhục). Bà từng mạnh tay chi số tiền khoảng 3 triệu bảng Anh cho đám cưới con gái đầu năm 2014. Bà là khách hàng quen thuộc của các nhà mốt châu Âu, chẳng hạn chuyến đi Paris để mua sắm năm 2003 chỉ “tiêu tốn” khoảng 75.000 bảng Anh và những chuyến du sắm ở London, Paris, Singapore hay Hồng Kông diễn ra thường xuyên với mỗi lần trở về cùng khoảng 15 chiếc xe đẩy chất đầy hành lý. Và nơi chi trả chính là Ngân hàng trung ương Zimbabwe. Để thanh minh cho việc mang giày hiệu Ý trong khi người dân trong nước phải chật vật sống qua ngày, bà đơn giản trả lời: vì chân tôi hơi hẹp! Một phép so sánh của tờ Daily Mail là đủ để nói lên độ tiêu xài ngông cuồng của bà: “Grace là người khiến Imelda Marcos (cựu đệ nhất phu nhân Philippines nổi tiếng với tủ giày 3.000 đôi) trở nên nhỏ bé”.
Rồi với tuyên ngôn tạo điều kiện cho học sinh nghèo đến trường, bà xây một ngôi trường cấp 3 hiện đại mang tên mình nhưng rồi đến khi tuyển sinh, mức học phí đưa ra 3.500 USD/học kỳ khiến Grace’s Amai thành một trong những trường đắt nhất vùng. Còn bản thân một người có tinh thần khuyến học như bà đã khiến mọi người ngã ngửa khi chỉ sau 3 tháng đăng ký làm tiến sĩ xã hội học bằng tiếng Trung Quốc đã được Đại học Zimbabwe trao bằng. Không ai khác chính người trong nhà là Tổng thống Mugabe, trong một bài phỏng vấn đã tế nhị thốt lên: “Không, làm sao em có thể sử dụng cái ngôn ngữ ấy” khi được vợ thông báo. Ông Mugabe kể lại: bà ấy trả lời rằng “Em có thể làm được”.
|
Ảnh: Reuters, AFP
|
Bước đi mới
Một Grace “muốn cái gì là phải được cái đó và có thể làm được” đang còn thiếu 1 danh hiệu nữa trong bộ sưu tập của bà: Tổng thống. Báo chí đã râm ran chuyện này từ năm ngoái khi bà Grace chính thức được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội Phụ nữ ZANU-PF - bởi nó giúp bà có được vị trí trong bộ chính trị của đảng này. Từ đó bà “nhấn ga” với một chương trình mang tên “Graceland tour” đi khắp nơi để gặp gỡ người dân và quan trọng hơn là để dẹp bỏ những rào cản tương lai. Ứng viên lớn nhất cho chiếc ghế tổng thống là Phó tổng thống Joice Mujuru là một trong những “nạn nhân” bị bà hạ bệ với lý do ấp ủ âm mưu lật đổ chồng bà.
Cách đây 2 tháng, khi tin đồn người thừa kế lại rộ lên, chính ông Mugabe đã lên tiếng bác bỏ: “Bà ấy không có những tham vọng đó. Không, tôi không nghĩ vậy. Bà ấy chấp nhận vị trí một người thư ký phụ trách công việc liên quan đến phụ nữ và bà ấy còn có một hội từ thiện để lo lắng”.
Trong khi đó, nhân vật chính của mọi suy luận lại không phủ nhận mà trả lời rất cởi mở: “Họ nói rằng tôi muốn làm tổng thống. Tại sao không? Tôi không phải là một người Zimbabwe sao!”.
Bình luận (0)