Đề phòng trẻ bị chó cắn

08/10/2015 08:30 GMT+7

Trường hợp bé T.T.T (3 tuổi rưỡi, ngụ H.Củ Chi, TP.HCM) bị chó cắn nát vùng mặt với 19 vết, bác sĩ BV Nhi đồng 1 phải khâu gần 200 mũi, một lần nữa cảnh báo tình trạng trẻ bị chó tấn công.

Trường hợp bé T.T.T (3 tuổi rưỡi, ngụ H.Củ Chi, TP.HCM) bị chó cắn nát vùng mặt với 19 vết, bác sĩ BV Nhi đồng 1 phải khâu gần 200 mũi, một lần nữa cảnh báo tình trạng trẻ bị chó tấn công.

Bé trai bị chó cắn 19 vết rách lớn nhỏ trên mặt - Ảnh: BV cung cấpBé trai bị chó cắn 19 vết rách lớn nhỏ trên mặt - Ảnh: BV cung cấp
Theo các bác sĩ Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1, thời gian gần đây BV tiếp nhận nhiều trẻ nhỏ bị chó cắn trọng thương, sứt môi, nát hết cả vùng mặt...
Ngoài trường hợp bé T.T nói trên, tháng 8.2015, BV tiếp nhận bé gái 7 tuổi bị chó cắn gần mất hết một bên gò má, các bác sĩ phải lấy da và thịt của vùng khác trên cơ thể bé tái tạo phần tổn thương. Rồi trường hợp bệnh nhi (9 tuổi, ngụ tỉnh Bình Phước) bị chó cắn đứt rời cả môi dưới, người nhà phải đuổi theo con chó giật lại phần môi, rồi đưa đến BV để bác sĩ phẫu thuật nối lại…
Bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu, Trưởng khoa Răng hàm mặt BV Nhi đồng 1, kể trường hợp bé trai T.L.T.T (13 tháng, ngụ Bình Dương) nhập viện hồi tháng 8.2015 do bị chó cắn một đường dài 3 cm, sâu ở vùng má bên phải làm lộ cấu trúc tuyến mang tai bên dưới… Người nhà cho biết bé bị chó cắn vì lấy cây chọc lúc chó đang ngủ. “Mỗi năm BV Nhi đồng 1 tiếp nhận khoảng 30 ca trẻ bị chó cắn, vị trí bị cắn nhiều nhất là vùng mặt; di chứng nặng nề như sẹo, co rút vùng mặt, bệnh nhi phải quay lại BV để được phẫu thuật thẩm mỹ, chưa kể trẻ bị hoảng loạn ảnh hưởng đến tâm lý sau này”, bác sĩ Đẩu nói.
Ở góc độ của người nuôi chó, ông Nguyễn Văn Lãng, nguyên Phó chủ tịch Hiệp hội Chó giống quốc gia - người có nhiều kinh nghiệm trong việc nuôi chó, cho biết một số giống chó dữ hiện nay nhiều gia đình nuôi phải hết sức cẩn trọng, như: chó Bulldog, Rottweiler, Bully, Doberman, Boxer, Bullmastiff...
Đáng lưu ý, giống chó Bully (một giống chó của Mỹ) là loại rất dữ, còn được mệnh danh là “hung thần”, từng cắn chết nhiều người. Một số bang ở Mỹ đã cấm nuôi giống chó này. “Nói là chó dữ nhưng thường chó chỉ dữ với người mà nó thấy nguy hiểm chứ tự nhiên chó cắn chủ nhà là rất hiếm, thậm chí trên thực tế chó còn “hy sinh” tính mạng để cứu chủ.
Tuy nhiên, trường hợp trẻ con chơi với chó thì cực kỳ nguy hiểm vì các bé có thể có những hành động vô tình làm chó đau dễ nổi quạu như kéo đuôi, móc mắt, móc miệng, cầm cây đánh… dẫn đến bị chó cắn, tấn công lại”, ông Lãng phân tích.
Để tránh những trường hợp đáng tiếc, theo ông Lãng, các bậc cha mẹ cần dạy trẻ không nên có những hành động làm đau chó; đối với trẻ còn quá nhỏ, chưa nhận thức được, tốt nhất không nên cho bé chơi hoặc tiếp xúc với chó.
Một cán bộ Chi cục Thú y TP.HCM cũng cảnh báo: “Hiện có rất nhiều gia đình nuôi những loại chó có nguồn gốc từ nước ngoài và xem nó như người thân. Nhưng cần lưu ý không cho trẻ tới gần lúc chó đang ăn hoặc tranh giành đồ chơi với chó, vì dễ bị chó tấn công lại, rất nguy hiểm. Đặc biệt, không để trẻ chọc phá khi chó đang ngủ, chó đang nuôi con vì khi đó chó phản ứng rất thô bạo”.
Cách xử lý khi trẻ bị chó cắn
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu, đa số trường hợp trẻ em bị chó cắn, gia đình thường bỏ qua khâu sơ cứu tại chỗ như rửa vết thương bằng nước sạch, nước muối sinh lý và xà phòng. “Đối với trường hợp các bé được đưa đến cơ sở y tế địa phương mà nơi đó chưa xử lý chuyên sâu được thì vẫn tiếp tục làm sạch vết thương, sử dụng thuốc kháng sinh để phòng bị nhiễm khuẩn...
Sau đó đưa bé đến BV chuyên khoa tuyến trên để làm sạch vết cắn, cắt lọc và khâu vết thương lại. Sau khi xử lý vết thương, cần đưa bé đi chích ngừa dại và uốn ván”, bác sĩ Đẩu khuyến cáo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.