Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng: việc ùn tắc và tai nạn giao thông ngày có nguyên nhân từ nhận thức của một số cấp ủy đảng về vấn đề này còn hạn chế, chưa coi đây là nhiệm vụ chính trị thường xuyên phải quan tâm chỉ đạo, thiếu các biện pháp thiết thực, kiên quyết để giảm thiểu tai nạn giao thông. Một số văn bản ban hành còn chậm so với thời điểm luật có hiệu lực, chưa đi vào thực tế cần phải sửa đổi. Công tác tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) còn tồn tại, bất cập. Mặt khác, việc đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe còn buông lỏng; ý thức tự giác chấp hành pháp luật ATGT của đội ngũ lái xe chưa tốt, nhất là lái xe khách...
Báo cáo kết quả giám sát việc thi hành pháp luật về đảm bảo TTATGT do Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Quang Bình trình bày cho rằng, nguyên nhân chủ quan có tính bao trùm là sự yếu kém, bất cập trong quản lý nhà nước về TTATGT, nhất là công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương chưa tương xứng với quyết tâm mà Đảng và Nhà nước đã xác định. Bởi vậy, từ đầu năm 2006 đến nay, tình hình TTATGT phức tạp trở lại; tai nạn giao thông tăng cả về số vụ và số người chết, nhiều vụ xảy ra rất nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Để khắc phục tình trạng này, cần áp dụng các biện pháp mạnh đối với các hành vi vi phạm pháp luật về TTATGT, cụ thể tăng tiền phạt và áp dụng các hình phạt bổ sung; xây dựng chính sách có tính đột phá hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, có thể áp dụng các loại phí giao thông đối với một số phương tiện giao thông cá nhân. Bộ Giao thông vận tải và Bộ Công an cần nghiên cứu phân cấp mạnh mẽ cho địa phương về công tác quản lý (nhất là quản lý quốc lộ), công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm TTATGT; tiếp tục cải cách hành chính, giảm phiền hà cho nhân dân, chống tiêu cực trong nội bộ.
Thảo luận về giải pháp kiềm chế TNGT, các đại biểu nhất trí với nội dung các báo cáo và khẳng định: TTATGT là một lĩnh vực mang tính xã hội sâu sắc, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và sự phát triển đất nước, nhưng vấn đề này hiện vẫn còn nhiều bất cập.
Ông Phạm Minh Tuyên - Trưởng ban Công tác đại biểu Quốc hội cho rằng để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, cần nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc ngăn chặn và đẩy lùi tai nạn giao thông; quy hoạch lại hệ thống các trường đại học, bệnh viện, các khu chung cư, nhà cao tầng... gắn với việc phát triển hệ thống giao thông cho phù hợp với thực tế. Ông đề nghị cần đặt hệ thống camera ở các điểm nút giao thông để ngăn chặn, xử lý kịp thời những hiện tượng tiêu cực và nâng mức phạt cao hơn trước để góp phần răn đe, giáo dục người tham gia giao thông.
Ông Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội; ông Trần Đình Đàn - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; ông Ksor Phước -Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã cho rằng ta chưa phát huy được hiệu quả trong việc điều hành và quản lý để đảm bảo ATGT, chưa chú trọng quy hoạch tổng thể mạng lưới giao thông, giáo dục pháp luật cho người tham gia giao thông... Ông Trần Đình Đàn nhấn mạnh: Pháp luật về an toàn giao thông đã có nhưng việc áp dụng chưa đến nơi đến chốn, còn bất hợp lý trong việc xử lý, đền bù khi TNGT xảy ra. Đối với quốc lộ 1 cần di dời dân cách đường 100 mét và nếu mở đường phải cách 200 mét, coi đây là giải pháp lâu dài, bền vững để đảm bảo ATGT.
Ông Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ ra nguyên nhân ùn tắc và TNGT là do công tác quy hoạch chưa đồng bộ, cân đối với việc phát triển hệ thống giao thông, hạn chế đầu tư cơ sở vật chất phục vụ ATGT, chế tài xử phạt chưa nghiêm, quản lý nhà nước còn yếu kém...Hình thức xử phạt tạm giữ phương tiện giao thông còn nhiều bất cập, gây lãng phí, nên chăng cần bỏ việc giữ phương tiện và thay vào đó là giữ biển số, giấy phép lái xe...
Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cũng làm rõ nguyên nhân tai nạn và giải pháp kiềm chế TNGT, đồng thời yêu cầu nâng báo cáo kết quả giám sát việc thi hành pháp luật về đảm bảo TTATGT của Ủy ban thường vụ Quốc hội để gửi các đại biểu Quốc hội xem xét nâng thành luật vào năm 2008. Tuy nhiên, cần phải mở rộng phạm vi giám sát, đó là "giám sát việc thi hành pháp luật về giao thông" bao gồm cả đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng không...
Kết luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định thống nhất với ý kiến của các đại biểu Quốc hội là nâng kết quả giám sát việc thi hành pháp luật về đảm bảo TTATGT lên thành luật. Chủ tịch yêu cầu cần đánh giá lại 4 lĩnh vực: kết cấu hạ tầng, phương tiện giao thông, tổ chức giao thông và ý thức của người tham gia giao thông để có phương án điều hành phù hợp với thực tế, không chồng chéo. Chủ tịch lưu ý cần đặc biệt ưu tiên cho giao thông công cộng.
Cũng trong buổi sáng 15.10, các đại biểu dự họp còn cho ý kiến về kế hoạch kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập AIPO (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á).
Theo TTXVN
Bình luận (0)