Để sinh viên ra trường hết 'lơ ngơ'

Quý Hiên
Quý Hiên
05/11/2024 00:06 GMT+7

Theo nhiều doanh nghiệp, sinh viên cần nắm bắt cơ hội khi đi thực tập, để quá trình học - hành được thực chất, không bị "lơ ngơ" khi đi làm.

Để tăng tính "thực chiến" cho sinh viên (SV) trong các chương trình đào tạo của khối ngành kinh doanh và quản lý, ý kiến đóng góp của giới doanh nghiệp (DN) là một yếu tố mà các trường ĐH đều coi trọng. Theo nhiều DN, có nội dung kiến thức chuyên môn tốt trong chương trình đào tạo là chưa đủ, mà các trường và DN cần phối hợp với nhau sâu sắc hơn trong vấn đề nâng cao chất lượng thực tập của SV.

SV BỎ CUỘC VÌ NHỮNG LÝ DO RẤT "TRẺ CON"

Theo ông Phan Minh Chính, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Pro Sports, một chương trình đào tạo tốt là chương trình giúp SV có khả năng "thực chiến" khi đi thực tập tại các DN cũng như sau này khi tham gia thị trường lao động. Vấn đề đặt ra là làm sao các em có thể vừa học kiến thức chuyên môn, vừa "thực chiến"? Câu trả lời liên quan tới cả ba phía: SV, nhà trường, DN. Từ phía DN, câu trả lời ai cũng thấy rõ là tạo điều kiện cho SV thực tập. "Cho các em đến để cho có, rồi cuối kỳ cho các em giấy xác nhận đã đến thực tập thì không khó. Vấn đề là làm sao để trong thời gian thực tập ngắn ngủi đó, chúng ta phải chia sẻ, phải tạo ra và nuôi dưỡng cho các em động lực phấn đấu và sự khao khát vươn lên", ông Chính nêu quan điểm.

Để sinh viên ra trường hết 'lơ ngơ'- Ảnh 1.

Sinh viên ngành quản trị marketing chất lượng cao Trường ĐH Kinh tế quốc dân trong một chuyến tham quan DN

ẢNH: MAI LINH

Cũng theo ông Chính, Tập đoàn Pro Sports là DN tiếp nhận nhiều SV thực tập, thường tạo điều kiện cho SV có cơ hội học hỏi. Các em được quyền làm chủ, được quyền trải nghiệm mà không phải trả giá, vì cái giá đó DN đã trả hộ các em. Nhưng liệu các em thực sự có tinh thần làm chủ không? SV của chúng ta ngày nay về cơ bản đều có tố chất rất ổn. Các em thường rất nhanh nhẹn, bắt nhịp cực kỳ nhanh, nhưng lại nhanh chán. Vì thế, trăn trở của những người lãnh đạo DN như ông là với những SV có ngọn lửa khát vọng thì bồi đắp được cho các em cái "lõi" nghị lực. "Ở đâu có nghị lực, ở đó có con đường. Làm sao để trong quá trình đào tạo, bên cạnh việc truyền đạt kiến thức chuyên môn, kiến thức mới (tiếng Anh, tin học…), thì các thầy cô vun đắp được cho các em cái nghị lực, cái tâm thế sẵn sàng đối mặt với thử thách", ông Chính nói.

Bà Bùi Thị Hạnh Hiếu, Tổng giám đốc Công ty cổ phần kinh doanh chế biến nông sản Bảo Minh, cũng cho biết DN mình có một số dự án có sự tham gia của SV. Về cơ bản, các em thông minh, được đào tạo cơ bản, năng động, cầu thị, nhưng cũng có một số bất cập. "Các em cần phải trau dồi thêm đạo đức, nghị lực và trí tuệ. Ba yếu tố này rất quan trọng, vì có tình trạng DN rất cầu thị chào đón các SV, nhưng làm giữa chừng dự án thì nhiều em đã bỏ cuộc. Có những lý do rất "trẻ con". Chúng tôi khuyên các em, khi đi làm nên xác định là mình sẽ lĩnh lương, phải làm rất nghiêm túc, đều trên 18 tuổi cả rồi", bà Hiếu chia sẻ.

NÊN LÀM QUEN VỚI MÔI TRƯỜNG DOANH NGHIỆP TỪ NĂM 2

Ông Nguyễn Hữu Hiệu, sáng lập viên và là Tổng giám đốc Tổng công ty FiinGroup, phản ánh thực tế nhiều SV ra trường đi làm rồi mà vẫn còn lơ ngơ. Các em không hình dung được khi vào làm việc trong môi trường công sở thì mình sẽ như thế nào. Các em không hình dung ra được hệ thống quản trị nhân sự sẽ ra sao, mình sẽ làm việc với ai; đồng nghiệp, cộng sự là ai; một ngày làm việc sẽ diễn ra thế nào, đòi hỏi kỷ luật trong công việc là ra sao… "Dường như trong các chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo hiện nay, chúng ta chưa chú trọng đến kinh nghiệm thực tế của SV. Chẳng hạn cần có quy định trong năm học, mỗi SV cần có bao nhiêu giờ, bao nhiêu ngày học ở công sở hay ở các DN… Theo tôi, yêu cầu này rất quan trọng trong đào tạo", ông Hiệu lưu ý.

Bà Nguyễn Thị Dung, Giám đốc Công ty TNHH tư vấn và đại lý thuế D&P Việt Nam, góp ý trường ĐH nên tạo điều kiện cho SV có cơ hội thực tập, trải nghiệm thực tế từ sớm, chứ không nên để đến năm cuối. Ngay khi các em học năm thứ hai là nhà trường đã có thể cho các em làm quen với môi trường làm việc DN, thậm chí được làm việc tại DN trong một thời gian (có thể là một tuần, một tháng, thậm chí cả một quý) để SV tiếp cận và hiểu quy trình làm việc, hiểu được văn hóa của DN. Sang năm 3, năm 4 tiếp tục có những trải nghiệm như vậy thì khi ra trường các em đã có thể có khả năng bắt nhịp hoàn toàn trong môi trường thực tế.

Bà Nguyễn Thị Thu Hải, Giám đốc Công ty TNHH LCFoods, đề xuất khi DN nhận SV thực tập thì cần phải có cam kết giữa DN và nhà trường, DN với SV. Phía DN cần đầu tư nguồn lực (tài chính) và con người để tạo điều kiện cho SV thực tập. Nhà trường cần tăng thời lượng cho giảng viên, để giảng viên đồng hành với DN trong quá trình SV thực tập. Như hiện nay, khi SV đi thực tập, giảng viên chỉ "gắn" với DN ở phần nhập môn là coi như xong nhiệm vụ, thì sẽ không hiệu quả.

Để sinh viên ra trường hết 'lơ ngơ'- Ảnh 2.

Sinh viên tham gia một hoạt động trong ngày hội thực tập

ẢNH: MAI LINH

CẦN TẠO ĐIỀU KIỆN CHO SV ĐƯỢC LÀM… SAI

Theo ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn PC1, những hoạt động như đi thực tập, làm các bài tập lớn, luận văn tốt nghiệp… là quá trình chuẩn bị hành trang vào đời, nhưng số đông SV vẫn chưa có trách nhiệm với các hoạt động này. Việc thực tập của SV tại các DN vẫn còn nặng tính hình thức, không có chất lượng cao. Quá trình làm bài tập lớn của SV chưa đi vào bản chất. Khi làm bài tập chưa chọn những bài tập sát với chương trình mình đi làm.

"Học đi đôi với hành. Ngay từ khi chọn mô hình DN để thực tập, các em cũng cần có lựa chọn thiết thực với công việc mà mình có định hướng theo đuổi. Làm đồ án tốt nghiệp cũng cần phải sát với việc mình thực tập. Nhưng nhiều bạn không làm như vậy. Tôi cho đó là bất cập, rất mất thời gian và lãng phí, không mang lại lợi ích. Cho nên quá trình đào tạo không chỉ cung cấp kiến thức chuyên môn cho SV mà cần giúp các em có nhận thức đúng, để các em sớm xác định được việc mình muốn làm sau này, để học - hành thực chất", ông Tuấn chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Hữu Hiệu, trường ĐH cần tạo môi trường thử nghiệm cho SV trong không gian ở giảng đường ĐH. Người tham gia không chịu áp lực KPI (áp lực thành tích). Các em có thể thử, có thể sai, và sai nhanh để xong còn làm cái khác. Trong môi trường đó các em được đằm mình trong môi trường giả lập, để tạo ra những sản phẩm, sáng kiến, dịch vụ mới cho xã hội. "Trường ĐH tạo ra điều kiện cho phép SV thử nghiệm trong môi trường, không gian địa lý, thời gian nhất định, và ở đó nếu có làm sai cũng không sao. Sau nhiều lần thử nghiệm thì các em mới tạo ra những thứ hữu ích cho thị trường", ông Hiệu nói.

Bổ sung nội dung mới vào chương trình đào tạo

Để tăng tính "thực chiến" cho các chương trình đào tạo, từ năm 2023 Trường ĐH Kinh tế quốc dân đã tổ chức định kỳ mỗi năm một lần hội nghị công giới, một diễn đàn tiếp thu ý kiến góp ý của các DN đối tác. Tại hội nghị năm nay, được tổ chức vào cuối tuần qua, Trường ĐH Kinh tế quốc dân cho biết từ hội nghị năm ngoái nhà trường đã bổ sung một số nội dung mới vào chương trình đào tạo để giảng dạy cho SV khóa 66 (khóa được tuyển sinh năm 2024).

Chẳng hạn, Trường ĐH Kinh tế quốc dân đã đưa vào tất cả chương trình đào tạo ĐH chính quy (áp dụng từ khóa 66) học phần "Chuyên đề thực tế", gồm 4 tín chỉ, để tăng hàm lượng thực tiễn trong quá trình đào tạo; hoặc nhà trường cũng đã đưa vào chương trình đào tạo môn học mới "Khoa học dữ liệu cơ bản trong kinh tế và kinh doanh", gồm 3 tín chỉ, có nội dung đào tạo phù hợp với SV từng nhóm ngành đào tạo, dành cho tất cả SV khóa mới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.