Cấu trúc và dạng câu hỏi đề tham khảo tốt nghiệp THPT môn lịch sử giống năm ngoái. Đề thi có 40 câu hỏi, gồm câu hỏi nhận biết, thông hiểu và vận dụng đúng ma trận đề thi. Dạng câu hỏi trắc nghiệm có 4 phương án, học sinh chọn một phương án trả lời đúng. Cấu trúc đề thi này rất quen thuộc với học sinh vì đã thực hiện trong kiểm tra ở trường.
Tuy nhiên, học sinh không dễ lấy điểm cao (9, 10) đối với đề thi tham khảo.
Đề thi tham khảo có 30 câu hỏi (từ câu 1-30) là dạng nhận biết, thông hiểu. Nếu học sinh nắm chắc kiến thức sự kiện từng giai đoạn thì có thể làm bài đạt từ 7-7,5 điểm.
Trong khi đó, 10 câu còn lại (từ câu 31-40) mang tính vận dụng, yêu cầu học sinh phải hiểu được bản chất của vấn đề, sự kiện, đường lối chính sách của Đảng và Chính phủ mới có thể nhận xét, nhận định, đánh giá, so sánh. Do đó, điểm 9, 10 là khó, trừ học sinh giỏi lịch sử.
Cụ thể, câu 37 yêu cầu thí sinh nhận xét về hậu phương chiến tranh nhân dân ở Việt Nam thời kỳ 1945-1954; câu 40 nhận xét điểm tương đồng giữa chiến dịch Điện Biên Phủ (1954) và chiến dịch Hồ Chí Minh (1975) ở Việt Nam... Những câu hỏi dạng này yêu cầu học sinh phải nắm vững kiến thức biết liên hệ so sánh đối chiếu mới giải quyết được vấn đề yêu cầu đặt ra. Tuy nhiên, nếu các em biết cách học, có phương pháp học hợp lý thì không quá khó khi làm bài.
Để ôn tập tốt môn lịch sử, việc lập sơ đồ tóm tắt là một trong những phương pháp hiệu quả. Khi kết thúc tiết học, bài học, học sinh có thể tóm lược kiến thức bằng sơ đồ với nhiều dạng khác nhau tùy theo nội dung bài học; cần xác định đâu là ý chính, ý nào là cơ bản, ý nào là bổ trợ… Học sinh cũng nên tô thêm màu sắc vào những ý cốt lõi để chú ý ghi nhớ trong sơ đồ tạo dấu ấn dễ học, dễ nhớ, khó quên.
Bên cạnh đó, học sinh cần phân chia từng giai đoạn lịch sử để học. Việc phân chia như vậy sẽ giúp học sinh không bị nhầm lẫn giữa các sự kiện vì có quá nhiều sự kiện cần phải ghi nhớ. Và trong từng giai đoạn "cột mốc", học sinh cần xác định sự kiện nào là cơ bản có ý nghĩa lịch sử.
Chẳng hạn, Việt Nam trong giai đoạn 1930-1931, với đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh, đây là cuộc tổng diễn tập đầu tiên cho Cách mạng Tháng 8; 1936-1939, cuộc vận động dân chủ là một cao trào cách mạng dân tộc, dân chủ rộng lớn, là cuộc tổng diễn tập lần thứ hai cho Cách mạng Tháng 8 năm 1945; 1939-1945, Tổng khởi nghĩa Tháng 8 năm 1945 và sự thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (2.9.1945)…
Nhìn chung, đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT môn lịch sử 2023 không quá khó đối với học sinh chăm học.
* Tác giả là giáo viên Trường THCS Trịnh Phong, Diên Khánh, Khánh Hòa
Bình luận (0)