Khu vực công chưa chống được, lấy đâu nguồn lực mở ra khu vực tư?
Tranh luận với nhiều đại biểu đồng tình với quy định của dự thảo luật trong việc mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng ra khu vực tư nhân, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, các đại biểu dường như đang có nhầm lẫn.
Theo đại biểu Nhưỡng, nhóm tội tham nhũng quy định trong bộ luật Hình sự bao gồm tội hối lộ và nhận hối lộ, tuy nhiên, theo quy định hiện hành cũng như tại điều 3 của dự thảo luật Phòng chống tham nhũng thì tham nhũng phải là hành vi của những người có chức vụ, quyền hạn, do đó, không thể đưa hành vi của chủ thể không có chức vụ, quyền hạn vào hành vi tham nhũng được.
“Một người dùng tiền để chạy chức, chạy quyền cho con trai mình. Anh ta phạm tội hối lộ là rõ ràng, nhưng nói anh ta tham nhũng thì xã hội sẽ không công nhận. Người nhận hối lộ đó chính là người tham nhũng, bởi vì có chức, có quyền. Chúng ta không thể chấp nhận một chủ thể không có giá trị để gọi là tham nhũng”, đại biểu tỉnh Bến Tre phân tích.
Từ đó, ông Nhưỡng đề nghị các đại biểu khác cân nhắc về quy định mở rộng phạm vi phòng chống tham nhũng ra khu vực tư, vì hiện nay khu vực công nhà nước còn chưa thể chống tham nhũng được, nếu mở ra khu vực ngoài nhà nước thì không đủ nguồn lực để làm.
“Liệu chúng ta có thể làm được không, hay là ghi vào luật chỉ làm thêm rắc rối. Từ bất lực một đến bất lực hai, dẫn đến chỗ Nhà nước ta có lỗi hơn với người dân và lỗi hơn với cử tri”, đại biểu Nhưỡng băn khoăn, và cho rằng, phòng chống tham nhũng không thể chỉ sử dụng một “con dao” là luật Phòng chống tham nhũng, mà bao gồm nhiều luật khác nhau, trong đó có bộ luật Hình sự, luật Tố tụng hình sự, luật Hành chính, luật Đầu tư công…
Ở đâu cũng phải chống tham nhũng
Giơ biển tranh luận, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng, dù nói các đại biểu khác đang nhầm lẫn, nhưng chính ông Nhưỡng lại đang nhầm lẫn khi khẳng định hối lộ không phải là tội tham nhũng.
“Tại sao lại có thể suy nghĩ như vậy, trong khi không có tội phạm cụ thể nào gọi là tội tham nhũng mà có nhóm tội phạm về tham nhũng, trong đó có 7 tội, và cụ thể là có tội hối lộ?”, đại biểu tỉnh Ninh Thuận nói.
Bên cạnh đó, ông Cương cũng không đồng tình với quan điểm của đại biểu Nhưỡng khi cho rằng, mở rộng chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước, xao nhãng chống tham nhũng trong khu vực nhà nước là có lỗi với dân. “Tôi nghĩ việc để tình trạng tham nhũng ở khu vực nào thì cũng đều là có lỗi và ở đâu cũng phải chống tham nhũng”, ông Cương bày tỏ quan điểm, và cho rằng việc phòng chống tham nhũng ở khu vực tư là xuất phát từ thực tiễn.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cũng cho rằng, việc mở rộng phòng chống tham nhũng ra khu vực tư là cần thiết, nhưng đề nghị phải có bước đi cụ thể.
Ông Ngân lưu ý các đại biểu rằng cử tri đang rất quan tâm đến các dự luật được đưa ra thảo luận tại Quốc hội và đề nghị các đại biểu phải nói rõ nội dung của luật. Chẳng hạn, một số đại biểu nói dự thảo luật quy định việc mở rộng phòng chống tham nhũng ra khu vực tư là không đúng, mà chỉ mới là bước đầu mở rộng ra khu vực tư khi giới hạn ở các công ty đại chúng, tổ chức tín dụng - những đơn vị đang huy động vốn của dân, cần phải kiểm soát.
“Nếu chúng ta nói không khéo thì doanh nghiệp và nhân dân, cử tri cảm thấy hình như mình đang đánh lạc hướng, trong khi khu vực công là khu vực chúng ta cần phòng, chống tham nhũng một cách triệt để và hữu hiệu”, đại biểu Ngân bày tỏ.
Bình luận (0)