Sáng nay, 6.6, thí sinh TP.HCM đã thi xong môn ngữ văn trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2024. Chủ đề của đề thi văn là "Nhịp trái tim không chỉ dành cho riêng mình". Tại điểm thi Trường THCS Lý Phong, Q.5, một số em âu lo nhưng cũng nhiều thí sinh ra khỏi cổng trường thi với tâm trạng thoải mái.
Không khó để viết
Thí sinh tên K.Y (học sinh Trường THCS Lý Phong) cho biết em đã làm nhiều đề ôn tập, cũng như tham khảo các đề thi ngữ văn vào lớp 10 TP.HCM ở các năm trước thì thấy đề thi năm nay không quá bất ngờ. Chủ đề tình yêu quê hương, đất nước, ý thức chủ quyền biển đảo dân tộc cũng là một trong những chủ đề em ôn tập tương đối kỹ, chuẩn bị kỹ cho các tình huống viết bài nghị luận xã hội. Do đó, ở câu 1 (đọc hiểu văn bản), với phần ngữ liệu trong đề thi được tổng hợp thông tin từ các bài viết về Hành trình "Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương" đăng trên Báo Thanh Niên từ ngày 4.5.2024 đến 13.5.2024, em cũng không gặp mấy khó khăn.
"Với phần đọc hiểu văn bản, thí sinh cần thực hiện các yêu cầu của đề bài, trong đó có các phần, các em cần thể hiện năng lực viết, tư duy, liên hệ thực tiễn như "Đoạn thơ trong văn bản giúp em hiểu gì về những người lính ở quần đảo Trường Sa?"; hay "Nếu được tổ chức một hoạt động để khơi lên nhịp trái tim dành cho biển đảo quê hương ở các bạn trẻ, em sẽ tổ chức hoạt động gì? Vì sao?", K.Y cho biết.
Ở câu số 3 nghị luận văn học, cho phép học sinh chọn đề 1 - cảm nhận tình cảm bé Thu dành cho cha trong tác phẩm "Chiếc lược ngà" của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, từ đó liên hệ với thực tế cuộc sống hoặc tác phẩm khác cũng về đề tài gia đình để thấy được ý nghĩa của tình cảm gia đình với mỗi người; hoặc đề 2 - thiên về phân tích thơ, cảm nhận những tình cảm mà thơ ca gợi lên trong thí sinh.
Thí sinh M.Trí, học sinh Trường THCS Kim Đồng, Q.5 chọn đề bài về tác phẩm "Chiếc lược ngà". M.Trí cho biết mình đây là một đề nghị luận văn học không thách thức thí sinh, gần gũi với các học trò, em viết được kín 4 tờ giấy thi. Đây cũng là dạng đề quen thuộc được M.Trí ôn tập nhiều trong quá trình chuẩn bị cho kỳ thi.
Giáo viên nhận xét đề ngữ văn thi lớp 10 điểm 8 sẽ tăng hơn
Trong khi đó, thí sinh K.Y (học sinh Trường THCS Lý Phong) chọn đề số 2, phân tích đoạn thơ cuối trong bài thơ "Đồng chí'' của Chính Hữu, liên hệ những cảm xúc từ thơ ca mang lại cho con người. "Em ôn tập khá kỹ bài thơ 'Đồng chí' của tác giả Chính Hữu, đồng thời cảm thấy mình làm bài sẽ tự tin hơn khi phân tích, cảm nhận thơ, liên hệ các tác phẩm thơ", thí sinh này cho hay.
Giáo viên nhận xét gì về đề thi văn vào lớp 10 TP.HCM?
Cô Mỹ Duyên, quản lý chuyên môn Công ty Gia sư eTeacher, chia sẻ: "Là người theo sát việc học của các em những năm qua, tôi đánh giá cao đề thi văn vào lớp 10 năm nay của TP.HCM. Đề thi bám sát định hướng đổi mới giáo dục, đánh giá năng lực học sinh một cách toàn diện, khách quan nhưng lại không quá đánh đố thí sinh. Có sự phân hóa hợp lý, tạo điều kiện cho học sinh dễ dàng lựa chọn phần thế mạnh của mình để "lấy điểm".
"Về chủ đề tình yêu nước, biển đảo quê hương thì không quá xa lạ, đã từng là một đề tài nóng hổi. Nhưng năm nay lại xuất hiện trong đề thi với cách tiếp cận mới mẻ khi yêu cầu học sinh lồng ghép liên hệ thực tế thông qua tổ chức hoạt động. Điều này giúp học sinh có cơ hội thể hiện quan điểm, suy nghĩ của bản thân một cách sáng tạo. Song song đó, việc nhận định đề không quá đánh đố thì có thể mặt bằng chung điểm số môn văn năm nay có phần sẽ tăng hơn", cô Mỹ Duyên nói.
Trao đổi với PV Báo Thanh Niên, một giáo viên dạy ngữ văn lớp 9 tại Q.Tân Phú, TP.HCM, cho biết với đề thi văn vào lớp 10 của TP.HCM năm 2024 thì câu đọc hiểu văn bản gần gũi, kiến thức bám sát sách giáo khoa, không gây khó khăn cho thí sinh. Từ ngữ trong sáng, dễ hiểu. Câu đọc hiểu văn bản này sẽ khơi gợi được tình yêu nước của thế hệ trẻ, phù hợp với tâm lý của học sinh trong xã hội ngày nay.
Câu nghị luận xã hội gần gũi với suy nghĩ của học sinh, thiết thực trong cuộc sống, khi để học sinh trình bày suy nghĩ, cái nhìn đa chiều về việc nghĩ bằng khối óc, lý trí, hiểu biết hay nghĩ bằng con tim. Đây là một câu hỏi có chiều sâu, giúp học sinh phát huy được khả năng sáng tạo, bày tỏ được quan điểm riêng. Còn câu nghị luận văn học, đề 1 là tác phẩm ''Chiếc lược ngà'' trong học kỳ 1, chủ đề gia đình, nhẹ nhàng, học sinh nào cũng có thể viết được. Phần liên hệ thực tiễn trong đời sống, hoặc với các tác phẩm chủ đề càng tạo điều kiện để học sinh được sáng tạo, trình bày suy nghĩ về giá trị của tình cảm gia đình.
"Nói chung đề thi văn vào lớp 10 TP.HCM tình cảm, ấm áp, mang tính giáo dục cao. Với đề thi này sẽ có mưa điểm 7, 8", giáo viên dạy ngữ văn lớp 9 tại Q.Tân Phú, TP.HCM trao đổi.
Bình luận (0)