Để trở thành nghệ sĩ sân khấu: Thanh cỡ nào, sắc cỡ nào?

26/01/2006 11:12 GMT+7

Có nhiều bạn trẻ khi mon men muốn bước lên sân khấu thường được cảnh báo bằng một câu nghe hết sức... tủi thân: "Mi nhìn kỹ mình chưa?". Nói vậy còn đỡ, nhiều bạn vô trường rồi còn được (hay bị) thầy cô nhắc lại: "Em suy nghĩ kỹ chưa?". Chuyện vui, diễn viên Minh Nhí khi mới nhập học liền bị ông thầy chủ nhiệm "gợi ý" chuyển sang lớp đạo diễn vì... xấu ve kêu! Ôi, phải thanh cỡ nào, và sắc cỡ nào mới theo đuổi được giấc mơ nghệ sĩ?

Thanh ra sao? Sắc ra sao?


Mai Hoa

Thật ra, mỗi nghề nghiệp đều đòi hỏi nơi người làm nghề những tố chất đặc trưng. Với nghề sân khấu, đòi hỏi nghệ sĩ hai tố chất quan trọng là thanh và sắc. Cho nên, trong các giải thưởng về sân khấu, như giải Trần Hữu Trang chẳng hạn, thang điểm cho thanh và sắc luôn luôn có hệ số cao. Hoặc khi tuyển chọn sinh viên vào trường sân khấu, ban tuyển sinh cũng chú ý yếu tố thanh - sắc đầu tiên. Thì vậy, người của công chúng mà không đẹp làm sao gây được mỹ cảm. Và nghề chuyên ca, hoặc nói, mà không rõ lời rõ tiếng làm sao truyền đạt được nội dung nghệ thuật. Tuy nhiên, theo đạo diễn Trần Minh Ngọc thì: "Thật ra, nhiều người vẫn chưa hiểu đúng hai chữ thanh và sắc. Cứ tưởng "ca hay" đã là thanh, và "đẹp" đã là sắc. Đẹp chỉ là yếu tố đầu tiên thôi, nhưng phải diễn cho ra cái thần của nhân vật, chứ nếu diễn tẻ nhạt thì cái đẹp ấy vô hồn. Và ca hay, hoặc có giọng nói to, rõ, còn phải tính đến kỹ thuật xử lý trong từng tình huống, nói cho ra cái khí chất bên trong của nhân vật. Mà những thứ này thì phải rèn luyện nhiều lắm, chứ không thể ỷ vào của trời cho".

Quả thật, thử lắng nghe nghệ sĩ Thanh Tuấn, Minh Vương, Thanh Kim Huệ... nhấn nhá, luyến láy thì hiểu rằng họ đã rèn luyện công phu để biến chất giọng thiên phú thành chuyên nghiệp. Có nhiều bạn trẻ nghe ca một vài bài thì hay, nhưng vô vở, thể hiện nhân vật, thì ca... trớt quớt. Giọng một đường, nhân vật một nẻo. Không khỏi buồn cười khi vai võ tướng mà diễn viên nói giọng... nhão nhoẹt!

Thanh hơn hay sắc hơn?


Diệp Lang và Bạch Tuyết trong vở Đời cô Lựu

Nghệ sĩ Thanh Hoàng nhấn mạnh: "Suy cho cùng, thanh quan trọng hơn. Bởi nếu kém sắc thì có thể đóng tính cách, vì trong tác phẩm đâu phải chỉ toàn người đẹp. Một người ít sắc đẹp nhưng diễn tốt thì đó vẫn là sắc. Chứ ca không tốt, thoại không ra nhân vật thì coi như tiêu!".

Chính vì thế mới có một NSƯT Ngọc Giàu tuyệt vời, thường xuyên đóng vai chính suốt mấy chục năm, và đoạt giải Thanh Tâm năm 1960, giải xuất sắc năm 1961, 1962, giải Kim Khánh năm 1966. Chị cười: "Tôi biết mình hơi xấu nữa là đằng khác, nhưng cái thanh đã làm đẹp lên cái sắc. Diễn hay, ca tốt, người ta sẽ quên mất cái cô Ngọc Giàu, chỉ thấy nhân vật của mình đẹp".

Hoặc như NSND Diệp Lang, đã biến nhược điểm thành ưu điểm. Ông nói: "Đi hát một thời gian, tôi bị bể giọng. Thế là tôi quyết định nhận vai kép độc, vai tính cách, để có cơ hội ca nhấn nhá theo đúng tính cách nhân vật, không cần ca mượt mà như kép chánh". Nhưng ca như thế không dễ chút nào, phải nắm thật chắc tâm lý, tình huống, và kỹ thuật hết sức điêu luyện. Hoặc Minh Nhí với tướng tá lùn xịt, ốm nhom, mũi như quả cà chua... Vậy mà, ai có ngờ sau này Minh Nhí trở thành danh hài nhờ cái "duyên xấu" đó. Anh đóng bi cũng rất hay, vai ông già trong Tình gần và Nắng chiều làm khán giả sụt sùi rơi lệ.


Ngọc Giàu

Riêng Hữu Châu, có thể nói là người đáng nể về kỹ thuật đài từ. Khi đi xem tập, thường thấy anh chỉ giùm cho anh em trẻ những đoạn thoại khó. Anh nhắc đi nhắc lại bốn chữ "hóa trang giọng nói". Chính Hữu Châu đã khổ luyện để "hóa trang" vào đúng tính cách nhân vật mà anh thể hiện. Một Nguyễn Trãi với giọng ấm áp, dịu dàng, trầm tư, nhưng khi lại sang sảng, can cường khuyên vua, ngăn loạn. Chất giọng của một người trí thức thông tuệ, dũng cảm, nên nghe đầy đặn, có sức nặng của nội lực. Ngược lại, Hữu Châu đóng cậu Út Hoa trong Tiếng vạc sành thì giọng tí tởn của một ông nông dân chưa vợ, hơi trẻ con, ham vui. Đến vai người cha già nua trong Nắng chiều thì buồn buồn, nhẫn nhịn, cô đơn. Chưa kể, vai Trần Thế Mỹ trong trích đoạn cải lương, thì giọng rất mạnh, sắc, thâm hiểm, khiến cả khán phòng vỗ tay như sấm. Vỗ tay cho riêng chất giọng ấy thôi, đã là quá đủ.  

Đừng vội bỏ cuộc!

Thật ra, không nhiều những nghệ sĩ thanh - sắc vẹn toàn, người được cái này thường hơi khuyết về cái kia. Cho nên, nói như đạo diễn Trần Minh Ngọc: "Ai cảm thấy yêu nghề thì ráng rèn luyện nâng lên". Chợt nhớ, cách đây vài năm, khi cô diễn viên trẻ đẹp Hồng Ánh, từng đoạt giải liên tục trong điện ảnh, vào nhận vai trong vở Nhân danh công lý của Sân khấu Tao Đàn, thì khán giả... chê quá chừng! Giọng Hồng Ánh nhỏ, yếu, không biết nhấn nhá chi hết. Những tưởng cô sẽ bỏ sân khấu mà đi luôn. Không ngờ, vài năm sau, Hồng Ánh xuất hiện ở IDECAF, và bây giờ nghiễm nhiên thành đào chánh. Cô nói: "Hồi đó tôi buồn quá chừng, nhưng ráng tập. Với ai tôi cũng học, cả những em diễn viên lớp sau này, nếu chỉ dẫn cho tôi những chỗ hay thì tôi cũng thọ giáo". Thật ra, chất giọng của Hồng Ánh vẫn hơi khàn, nhưng nhờ cô để hết tâm hồn và sự chân thật vào đó nên vẫn rung động khán giả. Thanh của cô là tiếng lòng của nhân vật, vậy thôi, là thành công!


Minh Nhí

Diễn viên Việt Ninh lận đận hoài với những vai kịch, không ngờ lại nổi đình nổi đám nhờ chất giọng đóng... Hugo. Chưa kể, anh sống được nhờ đóng hài mỗi đêm, với mấy chục vai nào bà già, ông già, con nít, tiếng đàn bầu, đàn cò, xe máy, xe hơi... tập luyện vất vả. Thanh đã "cứu" sắc chứ gì nữa!

Mai Hoa cũng là một tấm gương nhẫn nại. Trên sân khấu, cô bị mờ nhạt, nhưng đùng một cái, Đời cát đưa cô tới đỉnh vinh quang. Cái sắc của Mai Hoa trong Đời cát là cả một kỹ thuật diễn xuất tuyệt vời, mà đạo diễn đã đi tìm đỏ con mắt. Xấu, nghèo, cô đơn, khô héo, nhưng nó ám ảnh người xem mãi khi màn hình đã khép lại từ lâu. Chờ đợi một cơ hội như thế có khi cả đời, nhưng đừng nản, biết đâu...

Và hiện nay, phim truyền hình "thu tiếng trực tiếp" mở ra khắp các đài, đó là cơ hội cho diễn viên. Kém sắc một chút nhưng giỏi thanh thì cũng sẽ... không hết việc để làm.

Hoàng Kim

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.