Thực tế, đánh giá thành công hay thất bại của một nền bóng đá còn phụ thuộc vào việc nền bóng đá ấy tự định vị chỗ đứng bản thân, rồi đặt ra mục tiêu phù hợp. 5 năm qua, đội tuyển Việt Nam đã vô địch AFF Cup 2018, lọt vào tứ kết Asian Cup 2019 và vòng loại thứ ba World Cup 2022. Đó là bước thăng tiến mang tính nền tảng, thay vì vụt sáng nhất thời.
Bóng đá Việt Nam đặt mục tiêu dự World Cup 2026 (hay xa hơn là lộ trình hướng tới World Cup 2030). Điều đó đồng nghĩa, tân HLV trưởng đội tuyển VN sẽ đứng trước trọng trách lớn lao, nhận nhiệm vụ với độ khó cao hơn bất cứ đời HLV nào trước đây. Việc VFF mời ông Troussier cũng xuất phát từ nhiều lý do, bởi có lẽ khó có ai phù hợp hơn ông. HLV Troussier có kinh nghiệm nắm quyền ở 7 đội tuyển quốc gia, từng huấn luyện đội Nhật Bản đá World Cup 2002 hay trải nghiệm ở môi trường bóng đá tại nhiều châu lục.
"Phù thủy trắng" cũng có kinh nghiệm huấn luyện ở Việt Nam khi còn dẫn dắt đội U.19 đá vòng loại U.19 châu Á 2020, nơi ông cùng học trò giành vé đi tiếp với ngôi nhì và gây ấn tượng khi hòa U.19 Nhật Bản với tỷ số 0-0. Nhưng ấn tượng ông Troussier để lại ở giải này không chỉ là kết quả, mà rất nhiều học trò của ông ở đội U.19 sau đó đã để lại ấn tượng mạnh ở đội U.23 sau đó 3 năm. Văn Chuẩn, Tiến Long, Duy Cương, Tuấn Tài, Văn Tùng cùng U.23 Việt Nam vô địch SEA Games 31 và lọt vào tứ kết U.23 châu Á 2022. Một cầu thủ khác từng lọt vào mắt xanh của ông Troussier, đó là Văn Khang còn đá cho 3 cấp độ đội tuyển gồm U.19, U.23 và đội tuyển Việt Nam trong cùng 1 năm.
Tuy nhiên, trả lời truyền thông về tham vọng World Cup 2026, HLV Troussier khẳng định chỉ đào tạo cầu thủ thôi là chưa đủ. Ông giãi bày: "Tôi biết các cầu thủ U.19 Việt Nam không có cơ hội tại V-League. Nhiều đội bóng đang đào tạo trẻ khá tốt, nhưng họ làm chưa đủ. Cầu thủ trẻ phải có sân chơi để thi đấu, thi đấu mới phát triển được". Ngoài ra, theo HLV Troussier, để chuẩn bị cho World Cup 2026, bóng đá Việt Nam cần thế hệ cầu thủ sinh từ năm 1998 - 2004, con số sẽ lên tới khoảng 100 cầu thủ. Vấn đề của nhóm cầu thủ này là cần được thi đấu, bởi "nếu không thi đấu, cầu thủ sẽ không có bài học".
Nói đến tầm nhìn của HLV Troussier, đội tuyển quốc gia chỉ là phần ngọn của nền bóng đá. Bóng đá Việt Nam phải chuẩn bị từ những yếu tố cốt lõi và bài bản nhất. Đó là đào tạo trẻ và thực sự tạo được sân chơi cho cầu thủ trẻ. Nếu không được ra sân tại V-League, các cầu thủ trẻ chỉ đá một vài giải mỗi năm, không đảm bảo được tính liên tục trong thi đấu. Ngoài ra, việc các cầu thủ trẻ chỉ va chạm với nhau (mà không đối kháng với những cầu thủ ở độ tuổi lớn hơn) cũng không phải điều kiện lý tưởng để phát triển.
Đội tuyển Việt Nam đang trẻ hóa với sự xuất hiện của nhiều cái tên lứa U.23 như Văn Khang, Duy Cương, Đình Duy, Tuấn Tài... ở đợt tập trung tháng 9.2022. Dù vậy, không cầu thủ nào trụ lại danh sách chính thức đá AFF Cup 2022. Đội tuyển Việt Nam đã có nhiều giải lớn dưới thời HLV Park Hang-seo với số lượng nhân tố mới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Số cầu thủ thuộc thế hệ 1998 - 2004 mà ông Troussier đề cập hiện nay hầu như chưa đặt dấu ấn tại V-League và đội tuyển quốc gia, ngoài những gương mặt vốn rất cũ như Hoàng Đức, Văn Hậu. Đây chưa phải nền móng đủ vững cho mục tiêu dự World Cup.
Nếu HLV Troussier được bổ nhiệm, bóng đá Việt Nam cần sự chuyển dịch đồng bộ để phù hợp với chiến lược mới, mà tạo điều kiện cho cầu thủ trẻ chỉ là một trong số nhiều định hướng. HLV Troussier sẽ đóng vai trò chủ công để đội tuyển Việt Nam nuôi mộng dự World Cup 2026 và 2030, nhưng để thành công, bóng đá Việt Nam cần sự thay đổi và cải tiến toàn diện để tối ưu hóa năng lực của nhà cầm quân người Pháp.
Bình luận (0)