Đề xuất bí thư Đoàn trường là 'thành viên đương nhiên' hội đồng trường đại học

Lê Hiệp
Lê Hiệp
06/11/2018 13:24 GMT+7

Bí thư T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong đề nghị, cần quy định cụ thể bí thư Đoàn trường là thành viên đương nhiên của hội đồng trường đại học, không nên quy định là "đại diện Đoàn thanh niên".

Thảo luận tại hội trường về luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục Đại học (GD ĐH), Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong (đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận) cho hay, về thẩm quyền thành lập hội đồng trường ĐH công lập, dự thảo chưa quy định cụ thể cơ quan có thẩm quyền thành lập.
Từ đó, đại biểu Lê Quốc Phong đề nghị cần bổ sung cụ thể tại khoản 1 điều 16 quy định về điều này là: hội đồng trường do cơ quan chủ quản hoặc cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp thành lập đồng thời sửa đổi, bổ sung các điều khoản liên quan trong dự thảo.
Về thành phần hội đồng trường ĐH và ĐH, đại biểu Lê Quốc Phong cho biết, dự thảo quy định đại diện Ban chấp hành Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và đại diện người học  là những điều chỉnh khá lớn so với dự thảo lần trước. Tuy nhiên, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn đề nghị cần điều chỉnh theo hướng xác định rõ bí thư Đoàn trường ĐH, ĐH sẽ tham gia vào hội đồng trường.
“Thực tế các bí thư Đoàn trường đều là cán bộ chuyên trách hoặc giảng viên, hoặc cán bộ kiêm nhiệm. Nếu quy định như dự thảo thì sẽ khó phát huy được tiếng nói đại diện của tổ chức Đoàn, đại diện cho tập thể đoàn viên, thanh niên, sinh viên - lực lượng đông đảo của tổ chức trường ĐH và ĐH”, đại biểu Lê Quốc Phong nói.
Bên cạnh đó, đại biểu Lê Quốc Phong cũng đề nghị, về quy định đại diện người học tham gia vào hội đồng trường cũng nên xác định rõ là đại diện sinh viên vì người học trong các trường ĐH hiện nay khá nhiều, bao gồm sinh viên, học viên các loại hình đào tạo.
Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn cho rằng, điều này là cần thiết với định hướng đổi mới giáo dục lấy người học làm trung tâm. Bên cạnh đó, hiện nay nhiều trường có tổ chức hội sinh viên, việc giới thiệu sinh viên tham gia hội đồng trường có nhiều thuận lợi và sẽ thống nhất được tiếng nói suy nghĩ trong chiến lược đào tạo của trường ĐH và ĐH.
Yêu cầu chương trình liên kết phải học các môn lý luận chính trị
Một góp ý khác mà đại biểu Lê Quốc Phong đề cập là quy định về việc học các môn lý luận chính trị trong chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài.
Đại biểu Lê Quốc Phong đề nghị vấn đề này cần được quy định rõ trong luật vì đây là việc làm cần thiết để tạo cơ sở pháp lý các trường trao đổi, thảo luận với các đối tác nước ngoài khi lựa chọn, xác định chương trình đào tạo tại Việt Nam.
“Đối tượng áp dụng là sinh viên có quốc tịch Việt Nam, học tập tại các cơ sở trên lãnh thổ Việt Nam đều phải đảm bảo ngoài học chuyên môn, kiến thức chuyên ngành phải đảm bảo một số lượng học phần, tín chỉ nhất định về các môn lý luận chính trị. Trong các chương trình liên kết, tỷ trọng, thời lượng có thể ít hơn nhưng không thể không có nội dung này.”, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn nhấn mạnh và đề nghị sinh viên nước ngoài học tập tại Việt Nam có thể xem các môn học này như học phần tự chọn nếu sinh viên có nhu cầu.
“Nếu không quy định rõ trong luật thì hầu hết các đối tác nước ngoài sẽ viện dẫn nhiều lý do để không đưa vào chương trình đào tạo”, đại biểu Lê Quốc Phong nói thêm và đề nghị sau khi luật được Quốc hội thông qua, Bộ Giáo dục – Đào tạo cần sớm sửa thông tư theo hướng quy định rõ hơn về mức kinh phí tối thiểu, điều kiện cần thiết tối thiểu mà trường dành cho hoạt động nghiên cứu sáng tạo của sinh viên, hỗ trợ cho hoạt động này phát triển mạnh hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.