Đề xuất bỏ quy định phòng hát karaoke phải có diện tích 20 m2 trở lên

28/12/2023 10:08 GMT+7

Bộ VH-TT-DL đề xuất bãi bỏ quy định phòng hát karaoke phải có diện tích sử dụng từ 20 m2 trở lên và phòng vũ trường phải có diện tích sử dụng từ 80 m2 trở lên.


Bộ Tư pháp vừa công bố hồ sơ thẩm định dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 54/2019 về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường. Nghị định này do Bộ VH-TT-DL chủ trì soạn thảo.

Đề xuất bỏ quy định phòng hát karaoke phải lớn hơn 20 m2

Không có ý nghĩa cho việc đảm bảo phòng cháy chữa cháy

Tại dự thảo tờ trình, Bộ VH-TT-DL cho hay, sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị định số 54/2019, bên cạnh kết quả đạt được, nhiều quy định đã phát sinh vướng mắc, gây khó khăn cho tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh karaoke, vũ trường.

Đề xuất bỏ quy định phòng hát karaoke phải có diện tích 20 m2 trở lên- Ảnh 1.

Lực lượng công an kiểm tra tại một cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke

T.N

Điển hình như quy định về điều kiện kinh doanh, trong đó phòng hát phải có diện tích sử dụng từ 20 m2 trở lên, không kể công trình phụ (đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke), phòng vũ trường phải có diện tích sử dụng từ 80 m2 trở lên, không kể công trình phụ (đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ vũ trường).

Theo Bộ VH-TT-DL, quy định như trên không còn phù hợp với thực tế, chưa cập nhật theo các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành. Điều này đã gây khó khăn cho doanh nghiệp, bởi trên thực tế đa số các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường được chuyển đổi từ nhà ở hộ gia đình.

Cạnh đó, kết quả đánh giá cho thấy điều kiện này cũng không có ý nghĩa cho việc đảm bảo tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy tại cơ sở.

Từ thực tế trên, Bộ VH-TT-DL đề xuất bãi bỏ điều kiện về diện tích tối thiểu đối phòng hát karaoke và phòng vũ trường.

Quán karaoke trầy trật cầm cự dịp cuối năm: Nơi giảm sâu, nơi sang quán cắt lỗ

Vũ trường không còn phải giữ khoảng cách 200 m với trường học, bệnh viện?

Nghị định số 54/2019 đang có hiệu lực quy định địa điểm kinh doanh dịch vụ vũ trường phải cách trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, di tích lịch sử - văn hóa từ 200 m trở lên.

Tại dự thảo, Bộ VH-TT-DL đề xuất bãi bỏ quy định này, cũng với lý do để phù hợp với thực tiễn hơn.

Vũ trường New Phương Đông bị kiểm tra ma tuý

Bộ VH-TT-DL đề xuất bãi bỏ quy định địa điểm kinh doanh dịch vụ vũ trường phải cách trường học, bệnh viện từ 200 m trở lên (ảnh minh họa)

VĂN TIẾN

Đề xuất trên của Bộ VH-TT-DL nhận được một số băn khoăn. Trong đó, TP.Hà Nội đề nghị giữ nguyên quy định như hiện hành, bởi lẽ cơ sở kinh doanh dịch vụ vũ trường sử dụng nhạc mạnh có độ ồn và độ rung lớn, ảnh hưởng đến cộng đồng khu vực xung quanh, đặc biệt là những nơi cần yên tĩnh như trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, di tích lịch sử - văn hóa…

Một thực tế nữa được TP.Hà Nội chỉ ra, đó là cơ quan chức năng địa phương đang gặp khó khăn khi quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với cơ sở kinh doanh sử dụng nhạc mạnh nhưng chưa có phương tiện hữu hiệu đo cường độ, âm lượng của độ ồn, độ rung của âm thanh phát ra.

Nên giữ hay bỏ thẩm định thực tế?

Cũng tại dự thảo, Bộ VH-TT-DL còn đề xuất thành lập và quy định chi tiết thành phần đoàn thẩm định thực tế tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường. Theo đó, đoàn không quá 7 thành viên, gồm đại diện các cơ quan công an, văn hóa, xây dựng và các cơ quan khác có liên quan.

Cho ý kiến, một số cơ quan đề nghị bãi bỏ quy định trên, đồng thời giao các đơn vị quản lý nhà nước về karaoke, vũ trường tại địa phương tăng cường công tác hậu kiểm, nhằm phù hợp với tình hình thực tế.

Bộ Xây dựng cho rằng quy định về việc thành lập đoàn thẩm định thực tế sẽ làm phát sinh nguồn lực (con người, kinh phí…) để tổ chức triển khai. Do đó, cơ quan soạn thảo cần cân nhắc kỹ, đánh giá tác động toàn diện, lấy ý kiến của các địa phương để bảo đảm tính khả thi trong triển khai thực hiện.

Giải trình nội dung này, Bộ VH-TT-DL khẳng định việc thẩm định thực tế tại địa điểm kinh doanh karaoke, vũ trường đã được quy định tại Nghị định số 54/2019, chỉ là chưa cụ thể hóa, dẫn đến khó khăn trong công tác phối hợp quản lý.

Vì thế, dự thảo nghị định tiếp tục kế thừa, đồng thời quy định cụ thể hơn về thành phần đoàn thẩm định, nhằm đảm bảo hiệu quả trong thực tế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.