Đề xuất bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank

23/10/2024 14:59 GMT+7

Chính phủ đề xuất đầu tư bổ sung vốn để duy trì tỷ lệ vốn góp nhà nước tại Vietcombank với số tiền hơn 20.695 tỉ đồng.

Chiều 23.10, tiếp tục kỳ họp 8 Quốc hội khóa XV, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày tờ trình về chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).

Đề xuất bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank- Ảnh 1.

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

GIA HÂN

Mục tiêu lọt top 100 ngân hàng khu vực châu Á

Theo tờ trình của Chính phủ, các ngân hàng thương mại nhà nước nói chung và Vietcombank nói riêng có vai trò quan trọng là lực lượng chủ lực, chủ đạo về quy mô, thị phần, khả năng điều tiết thị trường, được xác định là "sếu đầu đàn" của ngành tài chính - ngân hàng.

Tuy nhiên, vốn điều lệ hiện nay của Vietcombank là 55.891 tỉ đồng, thấp hơn nhiều so với VPBank (79.339 tỉ đồng), Techcombank (70.450 tỉ đồng) và không có sự cách biệt lớn so với một số ngân hàng thương mại cổ phần khác như MB (52.871) tỉ đồng, ACB (44.667 tỉ đồng), SHB (36.629 tỉ đồng).

Do đó, nếu Vietcombank không được tăng vốn điều lệ thì sẽ không thể đảm bảo vai trò chủ lực, định hướng thị trường ngân hàng.

Xét trên phạm vi rộng hơn, danh mục ngân hàng lớn nhất châu Á - Thái Bình Dương theo The Asian Banker (AB500) năm 2023 không có đại diện ngân hàng nào của Việt Nam thuộc top 100. Vietcombank tuy có quy mô tổng tài sản đứng top đầu thị trường trong nước nhưng còn một khoảng cách khá xa so với các ngân hàng khu vực.

Để hiện thực được mục tiêu của ngành ngân hàng Việt Nam có đại diện trong top 100 của khu vực châu Á, các tổ chức tín dụng Việt Nam nói chung và Vietcombank nói riêng cần khẩn trương được tăng vốn điều lệ là cơ sở để mở rộng hoạt động kinh doanh và tăng quy mô tổng tài sản.

Từ những căn cứ đã nêu, Chính phủ đề xuất Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước để duy trì tỷ lệ vốn góp nhà nước tại Vietcombank với số tiền hơn 20.695 tỉ đồng từ cổ tức bằng cổ phiếu được chia của cổ đông nhà nước từ nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2018 và lợi nhuận còn lại năm 2021.

Toàn bộ vốn điều lệ được bổ sung sẽ tiếp tục sử dụng làm nguồn vốn hoạt động kinh doanh của Vietcombank, đầu tư phát triển và chuyển đổi số; hướng tới mục tiêu chung là để nâng cao năng lực tài chính, phấn đấu đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn CAR theo Basel III; mở rộng quy mô hoạt động, hiện đại hóa ngân hàng…

Đề xuất bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank- Ảnh 2.

Quốc hội làm việc chiều 23.10

ẢNH: GIA HÂN

Đề nghị báo cáo rõ thêm ý kiến của cổ đông chiến lược nước ngoài

Thẩm tra về nội dung trên, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết cơ bản nhất trí với mức vốn và nguồn vốn đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank theo đề xuất của Chính phủ.

Để có căn cứ đánh giá một cách toàn diện, cơ quan thẩm tra đề nghị báo cáo rõ thêm ý kiến của cổ đông chiến lược nước ngoài (là Ngân hàng Mizuho Corporate Bank hiện đang nắm giữ 15% vốn điều lệ của Vietcombank), bảo đảm sự đồng thuận, khả thi trong quá trình thực hiện tăng vốn điều lệ; bổ sung thông tin về thực trạng tỷ lệ an toàn vốn của VCB so với các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước hiện nay.

Đồng thời, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ chỉ đạo NHNN phối hợp với các bộ, ngành liên quan để xử lý phần lợi nhuận còn lại năm 2022, 2023 (lần lượt là 21.680 tỉ đồng và 25.009 tỉ đồng) theo quy định của pháp luật nhằm tăng cường năng lực tài chính cho Vietcombank, bù đắp mức thiếu hụt vốn tự có, bảo đảm an toàn hoạt động.

Về kế hoạch sử dụng vốn, đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ hơn cơ cấu sử dụng vốn được đầu tư bổ sung tại Vietcombank trên cơ sở bảo đảm phù hợp, thống nhất với mục đích đầu tư bổ sung vốn nhà nước, trong đó trọng tâm mở rộng hoạt động kinh doanh, cung ứng tín dụng đối với các ngành, lĩnh vực ưu tiên, các dự án quan trọng quốc gia có quy mô lớn, thực thi các chính sách của Chính phủ, NHNN trong định hướng giảm mặt bằng lãi suất huy động, lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế.

Đồng thời, tiếp tục đổi mới mô hình quản trị hiện đại, đầu tư công nghệ số, cải thiện hạ tầng kỹ thuật, nâng cao chất lượng dịch vụ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Có ý kiến đề nghị đánh giá tác động kỹ lưỡng, thấu đáo hơn đối với hiệu quả việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank, trong đó tác động tới chính ngân hàng, tới sự phát triển của ngành ngân hàng và hiệu quả kinh tế của vốn đầu tư.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.