Dù phong tỏa Hạ Lôi, vẫn sẽ xuất hiện thêm các ca mới
Có mặt tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.Hà Nội sáng 13.4, PGS - TS Trần Như Dương, Phó giám đốc Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư (người được Bộ Y tế tăng cường hỗ trợ huyện Mê Linh trong suốt thời gian khoanh vùng ổ dịch tại thôn Hạ Lôi), cho rằng Hà Nội trở thành điểm nóng của dịch vì lý do khách quan, do là nơi quy tụ tất cả những nguy cơ của dịch xâm nhập.
Tuy nhiên, sau 3 tháng cầm cự, Hà Nội giữ được ở mức như hiện nay (110 ca bệnh) là một thành quả tốt, được bạn bè quốc tế khen ngợi, theo ông Dương.
Đánh giá về ổ dịch tại Mê Linh, ông Dương cho rằng, đây là 1 ổ dịch rất phức tạp về dịch tễ. Tuy vậy, Hà Nội đã phát hiện ổ dịch này rất nhanh và chủ động “quây” được dịch rất nhanh gọn. Nếu không khoanh vùng được thì nguy cơ cực kỳ lớn.
“Nhiều người cũng hỏi tôi tại sao không phong tỏa cả xã Mê Linh, mà chỉ riêng thôn Hạ Lôi. Nhưng có lên thực địa mới thấy, thôn Hạ Lôi nằm ở khu riêng và đa số dân cư nằm ở đó. 2 thôn khác là Liễu Trì và Ấp Hạ rất tách biệt. Dựa vào địa hình, địa vật và khoanh vùng toàn bộ thôn Hạ Lôi là rất đúng đắn và rất phù hợp thực tiễn”, ông Dương đánh giá.
Cũng theo ông Dương, qua việc có mặt hàng ngày tại ổ dịch, ông quan sát thấy chính quyền đã làm công tác tư tưởng, an dân rất tốt.
“Bà con ai cũng thấy trách nhiệm của mình, thấy việc phong tỏa rất đúng đắn. Phải làm, chứ không ai kêu ca gì. Về công tác tuyên truyền, chúng ta thành công như thế, tôi tin chắc là chúng ta chống dịch thành công. Chính quyền Mê Linh đã chuẩn bị rất chu đáo", ông Dương nói, và lưu ý thêm, ở Hạ Lôi hiện an sinh xã hội được đảm bảo rất chu đáo, nên "không phải cứu trợ gì cả".
Về chuyên môn, ông Dương cho rằng, việc khoanh vùng ở Hạ Lôi không đơn giản chỉ là không cho người dân trong thôn ra ngoài, mà còn cách ly người với người, nhà với nhà.
Hiện tiên lượng nguồn bệnh đã tiêm nhiễm trong cộng đồng, nên việc cách ly để đảm bảo bệnh không lan rộng trong chính cộng đồng bị phong tỏa. Gia đình nào có người nhiễm bệnh thì nguồn bệnh chỉ quanh quanh ở gia đình ấy thôi, qua quan sát hàng ngày, cơ quan chuyên môn sẽ phát hiện, đưa đi cách ly.
Cách ly mà không quyết liệt thì cũng bằng thừa
Hiện ở Hạ Lôi, mỗi gia đình được cấp 1 thẻ nôm na như thẻ “thông hành” để mọi người đi ra ngoài mua sắm, phục vụ nhu cầu của gia đình, nhưng chỉ trong phạm vi thôn Hạ Lôi. Việc đi lại cũng phân ngày chẵn - lẻ, nên mỗi gia đình có 1 người được 2 ngày ra ngoài 1 lần.
Mê Linh cũng đã thành lập 66 tổ, mỗi tổ phụ trách 40 - 50 gia đình, ngày nào cũng rà từng ngõ gõ từng nhà, cặp nhiệt độ, nắm bắt tư tưởng người dân.
Về dự báo, PGS - TSTrần Như Dương cũng đồng tình với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội là có thể sẽ tiếp tục xuất hiện những ca mới ở cộng đồng hoặc ở số F1 đã đưa đi cách ly.
“Nếu có ca mới cũng không có gì bất thường, mà nằm trong tiên lượng, nằm trong sự kiểm soát của chúng ta. Nếu không nói rõ, mọi người lại đặt câu hỏi tại sao phong tỏa mà vẫn có ca bệnh mới. Đây là các ca bệnh đã lây nhiễm rồi, bây giờ chúng ta xét nghiệm để tìm ra”, theo ông Dương.
Về đề xuất, PGS - TS Trần Như Dương cho rằng vẫn phải thực hiện cách ly xã hội thật nghiêm ngặt, và nhấn mạnh đây là biện pháp “vô cùng quan trọng ở thời điểm này”.
“Dịch đã xâm nhập vào cộng đồng rồi, nên phải quyết liệt hơn nữa. Nhưng tôi quan sát, thấy đường bắt đầu đông trở lại, lại chật đường rồi. Phải quyết liệt hơn nữa, thậm chí phải có chế tài, thậm chí phải kéo dài thời gian cách ly ít nhất 1 tuần nữa, để bảo vệ thành quả của chúng ta. Mà phải quyết liệt. Kéo dài mà không quyết liệt cũng bằng thừa”, ông Dương khuyến nghị.
Bình luận (0)