Sức mua sụt giảm, hoạt động sản xuất nguy cơ gián đoạn
Dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng virus corona gây ra (dịch bệnh Covid-19) đang từng bước ảnh hưởng đến ngành sản xuất, kinh doanh ô tô tại Việt Nam. Việc khách hàng ngại đến đại lý khiến sức mua ô tô sụt giảm, lượng hàng tồn kho ngày càng lớn... Trong khi đó, hoạt động sản xuất, lắp ráp của các hãng ô tô đang đối mặt nguy cơ bị gián đoạn.
[VIDEO] Covid-19 kéo giảm sức mua ô tô đầu năm 2020
|
Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) doanh số bán hàng của toàn thị trường tính đến hết tháng 2.2020, giảm 27% so với cùng kì năm ngoái. VAMA vẫn chưa công bố số liệu bán hàng trong tháng 3.2020, nhưng căn cứ thực trạng đang diễn ra tại các đại lý ô tô trong 3 tuần vừa qua, có thể thấy tình hình chẳng mấy khả quan.
|
Lo ngại nguy cơ lây lan dịch bệnh Covid-19 lượng khách đến các đại lý ô tô đang giảm mạnh. Doanh số bán hàng, dịch vụ bảo dưỡng ô tô theo đó cũng đang có xu hướng giảm nhanh, giảm mạnh. Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, Giám đốc bán hàng của một đại lý Honda ở TP.HCM cho biết, doanh số bán ô tô hai tuần gần đây đang giảm mạnh. Sức mua kể từ thời điểm sau Tết đã sụt giảm, nay lại chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh nên càng ảm đạm hơn. Ở thời điểm này, đại lý ô tô nào đạt được 50% doanh số đã là thành công.
Trong khi đó, nhân viên bán hàng tại một đại lý phân phối xe Mitsubishi ở Thủ Đức, TP.HCM cho hay, kể từ thời điểm xuất hiện thông tin dịch bệnh đến nay, lượng khách hàng đến đại lý đang giảm dần theo từng ngày. Riêng hai tuần gần đây, lượng khách đến xem xe cũng như làm dịch vụ đã giảm hơn 50%.
|
Theo đánh giá VAMA, số lượng khách hàng tới tìm hiểu xe tại các đại lý giảm sút đáng kể khiến số lượng hợp đồng ký mới giảm tương ứng. Các yếu tố trên đã trực tiếp ảnh hưởng tới doanh số bán hàng trong tháng 3 cũng như trong thời gian tới khi mà dịch Covid-19 có thể kéo dài. Doanh số của thị trường ô tô Việt Nam trong cả năm nay có thể sụt giảm hơn 15% so với dự báo của VAMA trước đó.
Về hoạt động dịch vụ, VAMA cũng nhận thấy lượng xe đến sửa chữa đã giảm khoảng 30-40% hiện nay. VAMA dự báo, về lâu dài có thể giảm mạnh tới 60-70% nếu tình hình dịch bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
|
Trong khi đó, hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước cũng đang đối mặt với nhiều rủi ro do tác động từ dịch bệnh Covid-19. Ford Việt Nam mới đây đã thông báo tạm dừng hoạt động sản xuất tại nhà máy ở Hải Dương bảo vệ sức khoẻ cho nhân viên, đồng thời hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh Covid-19. Hoạt động sản xuất của các hãng ô tô khác cũng đang đối mặt nguy cơ gián đoạn do chuỗi cung ứng phụ tùng, linh kiện đang bị “đứt gãy” khi nhiều nhà máy trên thế giới đang đóng cửa.
Đại diện của một thương hiệu ô tô Nhật Bản đang sản xuất kinh doanh tại Việt Nam cũng cho biết, tình hình hiện tại vẫn chưa gây tác động đáng kể. Tuy nhiên, trước khả năng dịch có thể tiếp tục xảy ra ở một số địa bàn, hoạt động sản xuất kinh doanh có thể bị tạm dừng đột ngột bất cứ lúc nào. Điều này sẽ ảnh hưởng đến sản lượng sản xuất trong năm nay.
[VIDEO] Hàng loạt hãng xe ngừng hoạt động vì Covid-19, tại Việt Nam thì sao?
|
VAMA đề xuất phương án giảm 50% phí trước bạ cho người mua ô tô
Trước những khó khăn ngành sản xuất, kinh doanh ô tô Việt Nam đang phải đối mặt. Hôm 20.3, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đã có văn bản báo cáo gửi Chính phủ, các Bộ Công Thương, Tài Chính, Giao thông Vận tải, đồng thời đưa ra những đề xuất nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành ô tô trong nước.
|
Bên cạnh những đề xuất chung như giảm thuế thu nhập cá nhân trong năm 2020, vì người lao động có thể phải cắt giảm công việc, giảm thu nhập hay Chính phủ nghiên cứu và ban hành gói kích cầu chung phát triển kinh tế, gia hạn các gói vay thương mại… Đáng chú ý, VAMA còn đề xuất Chính phủ cân nhắc phương án giảm 50% thuế suất thuế giá trị gia tăng và 50% phí trước bạ cho khách hàng mua ô tô để kích cầu tiêu dùng trong thời gian dịch bệnh Covid-19.
Ở thời điểm hiện tại, giá niêm yết ô tô tại các đại lý đang được tính toán bao gồm giá vốn, thuế tiêu thụ đặc biệt, chi phí bán hàng và thuế giá trị gia tăng (VAT). Ngoài ra, khách hàng mua ô tô phải đóng thêm từ 10 - 12% phí trước bạ theo giá niêm yết, tùy từng địa phương để hoàn tất thủ tục để xe lăn bánh. Vì vậy, việc giảm 50% thuế giá trị gia tăng và 50% phí trước bạ sẽ góp phần giảm đáng kể số tiền khách hàng bỏ ra để mua ô tô. Tuy nhiên, đây chỉ mới là đề xuất và các hãng xe thuộc VAMA và chưa được chính phủ thông qua.
|
Thực tế, từ đầu năm đến nay các hãng xe, đại lý phân phối đã không ngừng giảm giá bán ô tô nhằm thu hút khách hàng đồng thời xả bớt lượng hàng tồn kho từ năm 2018, 2019. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh nỗ lực vẫn chưa thực sự mang lại kết quả khả quan.
Ngoài ra, VAMA cũng đề xuất Chính phủ xem xét phương án giãn nộp thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt hàng tháng cho ít nhất các tháng từ tháng 3 đến tháng 9.2020 theo dự thảo Nghị định do Bộ Tài chính đang chủ trì xây dựng; Giãn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cho các quý trong năm 2020 đến kỳ quyết toán năm 31.3.2021.
Tính đến thời điểm này, dịch bệnh Covid-19 đang khiến không ít nhà sản xuất, phân phối ô tô “vỡ kế hoạch” sản xuất, kinh doanh cũng như giới thiệu mẫu mã sản phẩm mới tại Việt Nam.
Bình luận (0)