Đề xuất giảm số bậc trong biểu thuế thu nhập cá nhân

25/11/2024 21:27 GMT+7

Qua rà soát cơ cấu biểu thuế hiện nay, Việt Nam có thể cắt giảm số bậc thuế của biểu thuế thu nhập cá nhân từ 7 bậc xuống mức phù hợp.

Bộ Tài chính vừa có Tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng dự án luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế). Trong đó, đề xuất nghiên cứu, điều chỉnh biểu thuế lũy tiến từng phần đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của cá nhân cư trú.

Đề xuất giảm số bậc trong biểu thuế thu nhập cá nhân- Ảnh 1.

Biểu thuế lũy tiến từng phần đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của cá nhân cư trú hiện gồm 7 bậc

CHỤP MÀN HÌNH


Bộ này lý giải, khoản 2 điều 22 luật Thuế thu nhập cá nhân quy định biểu thuế lũy tiến từng phần áp dụng đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công với 7 bậc thuế: 5%, 10%, 15%, 20%, 25%, 30% và 35%.

Qua quá trình thực tế thực hiện, có quan điểm cho rằng biểu thuế lũy tiến từng phần hiện hành chưa hợp lý, quá nhiều bậc, giãn cách giữa các bậc quá hẹp dễ dẫn đến nhảy bậc thuế khi tổng hợp thu nhập vào cuối năm làm tăng số thuế phải nộp, số lượng phải quyết toán thuế tăng một cách không cần thiết trong khi số thuế phải nộp thêm không nhiều.

Bộ Tài chính cho biết, việc áp dụng thu thuế thu nhập cá nhân theo các mức thuế suất lũy tiến từng phần là chính sách được áp dụng phổ biến ở nhiều nước trên thế giới.

Theo đó, hầu hết các nước đều áp dụng biểu thuế lũy tiến có nhiều bậc khác nhau để áp dụng thu thuế theo các mức khác nhau đối với các nhóm người nộp thuế có mức thu nhập khác nhau, qua đó đảm bảo tính công bằng theo chiều dọc của chính sách thuế (số thuế phải trả tăng theo sự gia tăng thu nhập).

Xu hướng chung được một số quốc gia thực hiện gần đây là thực hiện đơn giản hóa biểu thuế thông qua việc giảm số bậc trong biểu thuế.

"Qua rà soát cơ cấu biểu thuế hiện nay và nghiên cứu xu hướng cải thiện về mức sống dân cư trong thời gian tới cũng như kinh nghiệm quốc tế, Việt Nam có thể nghiên cứu để cắt giảm số bậc thuế của biểu thuế hiện nay từ 7 bậc xuống mức phù hợp.

Cùng với đó, xem xét nới rộng khoảng cách thu nhập trong các bậc thuế, đảm bảo điều tiết ở mức cao hơn vào những người có thu nhập ở bậc thuế cao. Thực hiện theo hướng này sẽ góp phần đơn giản hóa, giảm số bậc thuế nhằm tạo thuận lợi cho công tác kê khai, nộp thuế của người nộp thuế", Bộ Tài chính nhìn nhận.

Theo Bộ Tài chính, biểu thuế của Indonesia bao gồm 5 bậc thuế với các mức thuế suất 5%, 15%, 25%, 30% và 35%; của Philippines bao gồm 5 bậc thuế với các mức thuế suất 15%, 20%, 25%, 30%, 35%; một số quốc gia như Malaysia cũng đã giảm số bậc thuế từ 11 bậc (năm 2021) xuống 9 bậc (2024).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.