Theo đó, cơ quan này cho rằng, Nghị định 24 về việc quản lý hoạt động kinh doanh vàng đã mang lại những kết quả tích cực, quan trọng đối với thị trường tiền tệ, ngoại hối, góp phần chống đô la hóa, vàng hóa trong nền kinh tế. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm áp dụng, hiện nghị định này đã và đang tồn tại nhiều hạn chế và vướng mắc gây nên những tồn tại, hạn chế ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế, thị trường như chênh lệch giá vàng thế giới và trong nước ngày càng cao…
Những phát sinh tồn tại hạn chế từ thị trường đòi hỏi cần tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý về thị trường, giá vàng, nguyên liệu đầu vào, công tác thanh tra, kiểm tra, công tác truyền thông… Do đó, đơn vị này kiến nghị đề xuất chỉnh sửa, bổ sung Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
NHNN - chi nhánh TP.HCM kiến nghị chỉnh sửa bổ sung Nghị định 24, song vẫn đảm bảo đạt được mục tiêu quan trọng của Nghị định 24 trong suốt hơn 10 năm qua. Đó là không để thị trường vàng tác động ảnh hưởng đến tỷ giá, đến thị trường ngoại hối và mục tiêu chống USD hóa, vàng hóa. Vàng vẫn là loại hàng hóa đặc biệt có quan hệ trực tiếp đến ngoại tệ và tiền đồng; quản lý hiệu quả thị trường vàng có vai trò quan trọng, do đó kiến nghị chỉnh sửa bổ sung các quy định liên quan đến quản lý thị trường vàng. Trong đó, xem xét đề xuất cơ chế quản lý phù hợp, hiệu quả tránh tạo ra độc quyền và lợi ích nhóm cho các đơn vị kinh doanh vàng miếng tự niêm yết giá.
Ngoài ra, NHNN - chi nhánh TP.HCM cũng kiến nghị NHNN nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách và quy định hạn chế việc thanh toán mua bán vàng miếng bằng tiền mặt nhằm phòng ngừa các nguy cơ, rủi ro phát sinh trong hoạt động kinh doanh vàng miếng của các đơn vị, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật và phòng chống hoạt động rửa tiền.
Cơ quan này cũng đề xuất quy định trách nhiệm của các đơn vị liên quan đến quản lý thị trường vàng (gồm cả vàng miếng và sản xuất, gia công vàng trang sức mỹ nghệ). Trong đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với thị trường, đảm bảo kỷ cương, kỷ luật thị trường cũng như kiểm soát tốt nguồn nguyên liệu đầu vào và chất lượng sản phẩm. Công tác thanh tra, kiểm tra không chỉ phát hiện ngăn ngừa và hạn chế sai phạm phát sinh, mà còn làm cơ sở để chỉnh sửa, bổ sung các quy định của pháp luật về lĩnh vực hoạt động này.
Bình luận (0)