Sáng 11.5, tiếp tục phiên họp 23, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, HĐND.
Việc sửa đổi Nghị quyết của Quốc hội về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm là để đồng bộ với Quy định 96 về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị vừa được Bộ Chính trị ban hành hồi tháng 2, trong đó quy định chặt chẽ hơn về hệ quả đối với người lấy phiếu tín nhiệm.
Ngoài những nội dung theo Quy định 96 của Bộ Chính trị, tờ trình do Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội soạn thảo đề xuất bổ sung thời hạn trong quy định hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.
Cụ thể, dự thảo nghị quyết quy định: người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND đánh giá "tín nhiệm thấp" thì xin từ chức. Trong thời hạn 10 ngày phải xin từ chức.
Trường hợp trong thời hạn 10 ngày mà không từ chức thì Quốc hội, HĐND xem xét, quyết định việc bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất nhưng không quá 30 ngày kể từ ngày công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm.
Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND trở lên đánh giá "tín nhiệm thấp" thì cơ quan có thẩm quyền trình Quốc hội, HĐND tiến hành miễn nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất nhưng không quá 30 ngày kể từ ngày công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm.
Theo Ban Công tác đại biểu, việc bổ sung thời hạn nhằm tránh tùy nghi, không đồng bộ, thống nhất trong cả nước khi nghị quyết hiện nay không quy định rõ.
Tuy nhiên, thẩm tra sơ bộ đề xuất này, Thường trực Ủy ban Pháp luật Quốc hội đề nghị Ban Công tác đại biểu phải lý giải rõ hơn cơ sở của việc xác định mốc thời hạn quy định trong dự thảo Nghị quyết là 10 ngày để người được lấy phiếu có mức tín nhiệm thấp xin từ chức và 30 ngày để UBND có thẩm quyền xử lý đối với trường hợp chủ tịch UBND có mức tín nhiệm thấp.
Quy định 96 của Bộ Chính trị quy định, đối với những trường hợp có trên 50% nhưng dưới hai phần ba số phiếu tín nhiệm thấp thì đưa ra khỏi quy hoạch các chức vụ cao hơn; xem xét cho thôi giữ chức vụ đang đảm nhiệm, bố trí công tác khác hoặc cho từ chức hoặc tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm (với 2 mức tín nhiệm hoặc không tín nhiệm - PV) theo quy định.
Đối với trường hợp có từ hai phần ba số phiếu tín nhiệm thấp trở lên thì cấp có thẩm quyền thực hiện miễn nhiệm chức vụ đang đảm nhiệm và bố trí công tác khác thấp hơn mà không chờ đến hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm.
Theo quy định, việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội và HĐND bầu và phê chuẩn sẽ được tiến hành tại kỳ họp thứ 6 (10.2023). Dự kiến khoảng 50 chức danh sẽ được Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm.
Bình luận (0)