Bộ Tư pháp vừa công bố hồ sơ thẩm định đề nghị xây dựng luật Thi hành án dân sự (sửa đổi), do bộ này chủ trì soạn thảo. Một trong những nội dung mới được đề xuất trong dự thảo là về thi hành án dân sự của Bộ Quốc phòng.
Thêm cơ quan thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng
Bộ Tư pháp cho hay, theo quy định tại điều 13 luật Thi hành án dân sự hiện nay, hệ thống thi hành án trong quân đội có cơ quan quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Quốc phòng (Cục thi hành án Bộ Quốc phòng) và cơ quan thi hành án dân sự cấp quân khu.
Thực tế và dự báo trong những năm tới đây, các cơ quan thi hành án quân đội sẽ thụ lý, giải quyết nhiều vụ việc thi hành án khó khăn, phức tạp, có số tiền, giá trị tài sản phải thi hành rất lớn, liên quan đến đất quốc phòng, tài sản trên đất quốc phòng.
Ngoài ra còn có các vụ việc thi hành án có yếu tố nước ngoài, cần sự phối hợp của nhiều bộ, ngành, địa phương và các cơ quan T.Ư; vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.
Áp lực công việc là rất lớn, nhưng hệ thống thi hành án trong quân đội chỉ có các phòng thi hành án cấp quân khu, phải đảm nhiệm trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố.
Trong khi đó, Cục thi hành án Bộ Quốc phòng không có thẩm quyền tổ chức thi hành án, chỉ thực hiện chức năng quản lý, hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ, dẫn đến việc tổ chức thi hành án gặp nhiều khó khăn, thời gian kéo dài.
Từ bất cập nêu trên, Bộ Tư pháp đề xuất bổ sung một phòng thi hành án thuộc Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng.
Đơn vị mới này sẽ có nhiệm vụ tổ chức thi hành bản án, quyết định của tòa án quân sự các cấp có hiệu lực pháp luật có yếu tố nước ngoài; vụ việc do Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng điều tra; hoặc việc thi hành án thuộc thẩm quyền của phòng thi hành án cấp quân khu được rút lên để tổ chức thi hành khi cần thiết.
Cơ cấu tổ chức của phòng thi hành án thuộc Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng dự kiến gồm: thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan thi hành án, chấp hành viên, thẩm tra viên và thư ký thi hành án.
Nghiêm cấm sách nhiễu, phiền hà người dân
Cũng tại dự thảo, Bộ Tư pháp đề xuất nhiều quy định mới liên quan đến chức danh chấp hành viên. Bộ này đưa vào dự thảo 4 nhóm hành vi mà chấp hành viên không được phép làm.
Thứ nhất là vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Thứ hai là sách nhiễu, trì hoãn, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong thi hành án dân sự.
Thứ ba là gợi ý cho đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong thi hành án dân sự cung cấp tài liệu, trình bày sự việc không khách quan, trung thực làm ảnh hưởng đến kết quả thi hành án.
Thứ tư là không được làm luật sư, công chứng viên, thừa phát lại, trọng tài viên, hòa giải viên, trợ giúp viên pháp lý; tư vấn pháp lý cho pháp nhân thương mại; góp vốn vào công ty luật, văn phòng luật sư, văn phòng công chứng, văn phòng thừa phát lại, trung tâm trọng tài.
Đặc biệt, một điểm mới được đưa vào dự thảo, đó là đương sự có quyền yêu cầu thay đổi chấp hành viên nếu chấp hành viên chậm trễ giải quyết việc thi hành án; hoặc có căn cứ khác cho rằng chấp hành viên không vô tư trong khi làm nhiệm vụ.
Yêu cầu thay đổi chấp hành viên phải được lập thành văn bản và gửi thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự đang thụ lý vụ việc, trong đó nêu rõ lý do và căn cứ của việc yêu cầu thay đổi.
Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu thay đổi chấp hành viên, thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự hoặc cơ quan quản lý thi hành án dân sự cấp trên phải xem xét, quyết định thay đổi chấp hành viên; trường hợp không có căn cứ thay đổi thì trả lời bằng văn bản cho người đã có yêu cầu và nêu rõ lý do.
Bình luận (0)