Đến Đường hoa Nguyễn Huệ nghe kể chuyện TP.HCM

15/01/2022 07:28 GMT+7

Không chỉ là biểu tượng của mùa xuân, Đường hoa Nguyễn Huệ 2022 còn là lời chào mừng, mời gọi bạn bè quốc tế đến để trải nghiệm một thành phố năng động đã sẵn sàng trở lại mới mẻ sau đại dịch.

Thấy đường hoa là an tâm thành phố đã hồi sinh

“Rào chắn thế này nghĩa là năm nay vẫn có đường hoa đúng không mọi người? Mừng quá, đúng là TP đã trở lại rồi”, bạn Hải Anh (H.Củ Chi) không giấu nổi hào hứng khi đi qua khu vực rào chắn phục vụ công tác tổ chức đường hoa trên đường Nguyễn Huệ (Q.1).

Phối cảnh Đường hoa Nguyễn Huệ

CTV

Hải Anh kể tết năm nào gia đình cũng từ Củ Chi “lên Sài Gòn” để đi chơi đường hoa. Nhà 3 đời gốc Sài Gòn, bà ngoại của Hải Anh trước đây từng bỏ mối cho những người mua bán hoa tết cây cảnh từ thời con đường này còn được gọi là “Chợ tết Nguyễn Huệ”. Khi đó, nhà vườn tập kết hoa ở bến Bạch Đằng rồi phân bổ vào từng ô đã quy định sẵn. Lúc bấy giờ, người ta đến đây không chỉ để mua hoa mà còn là ngắm, thưởng ngoạn và tận hưởng hương vị đặc trưng của chợ hoa tết. Những tiếng cười nói, rao hàng, mặc cả, rồi cả tiếng leng keng của những thùng kem dạo đã trở thành âm thanh quen thuộc gắn bó với người dân TP. Được đi chơi chợ hoa Nguyễn Huệ, được cha mẹ mua cho một que kem hay một cái kẹo bông bằng đường, rồi tung tăng trong không khí vui tươi, hớn hở đã trở thành những kỷ niệm thơ ấu rất khó quên trong ký ức nhiều người, trong đó có bà ngoại của Hải Anh.

Những người con TP mong chờ đường hoa một thì ban tổ chức, những người nghệ nhân đứng đằng sau hàng trăm hình ảnh linh vật, tiểu cảnh sống động còn trông ngóng đường hoa gấp nhiều lần. Từ 7 giờ sáng, tại xưởng sản xuất của Công ty TNHH sản xuất mỹ thuật Văn Tòng (Q.12, TP.HCM), các nghệ nhân đã tất bật làm việc. Với kinh nghiệm gần 40 năm trong nghề, đây là năm thứ 7 cơ sở của nghệ nhân Văn Tòng phối hợp cùng Tổng công ty Saigontourist chuẩn bị cho đường hoa tết. Được giao thực hiện gần 60 con hổ - linh vật của đường hoa Nguyễn Huệ năm nay - cơ sở của nghệ nhân Văn Tòng phải huy động hơn 40 nhân sự, bắt tay vào làm việc từ cách nay hơn 1 tháng.

“Dù dự trù trước, tết đến là có đường hoa, nhưng năm nay chốt phương án muộn nên thi công cũng muộn hơn. Vì thế phải làm gấp rút, đẩy nhanh tiến độ cho kịp. Ai nhiễm bệnh là lập tức cho nghỉ, kiếm người thay ngay. Tôi là F0, dù không triệu chứng cũng phải ở nhà, theo dõi anh em từ xa để tránh ảnh hưởng tới công việc chung của mọi người. Dù thế nào cũng phải hoàn thiện đường hoa cho thật tốt vì TP đã trải qua 1 năm dịch bệnh khắc nghiệt quá rồi. Tết về phải có đường hoa để mọi người ấm lòng ở lại”, nghệ nhân Tòng chia sẻ.

Cũng đã 6 năm gắn bó với Công ty sản xuất mỹ thuật Văn Tòng, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy (ngụ Q.Gò Vấp) phấn khởi trò chuyện với chúng tôi về những áp lực của công việc năm nay. Tuy áp lực tiến độ, áp lực thời gian, nhưng rất phấn khởi bởi “ở nhà cả mấy tháng trời, buồn lắm, chỉ mong được đi làm thế này thôi”, bà Thúy chia sẻ.

Là họa sĩ mỹ thuật phụ trách lên màu cho các sản phẩm, bà Thúy cho biết do năm nay thi công muộn hơn nên thợ ở xưởng phải tăng ca đến 10 giờ đêm mới nghỉ. Đảm bảo nguyên tắc phòng chống dịch, tất cả mọi người đều phải đeo khẩu trang từ sáng đến tối, có lúc trầy xước đến chảy máu cả tai, nhưng vẫn thấy vui vì được đến gặp nhau, được làm việc, được tiếp tục làm đường hoa phục vụ người dân thành phố dịp tết.

Trở lại mới hơn, tốt đẹp hơn

“Xuân quê hương - Ấm tình nhân ái” là chủ đề của Đường hoa Nguyễn Huệ 2022. Trải qua hơn một tháng phát triển và hoàn thiện bản thiết kế, Saigontourist Group và các nhóm sáng tạo đã bổ sung vào đường hoa năm nay nhiều phân đoạn, các khu vực, đại cảnh, tiểu cảnh thể hiện sự tri ân, nghĩa tình, ghi nhận các hình ảnh, hoạt động đóng góp, sẻ chia đối với những hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

“Thông qua thiết kế, thông qua sự tài hoa của bàn tay các nghệ nhân, chúng tôi muốn truyền tải thông điệp mới đến tất cả mọi người, không chỉ người dân TP.HCM mà với cả kiều bào nước ngoài cũng như bạn bè thế giới: VN luôn tràn đầy màu sắc văn hóa, đậm đà bản sắc dân tộc, nhưng vẫn sẵn sàng hội nhập. Chúng tôi đã trở lại với cuộc sống chất lượng rất tốt. Hãy đến và cùng trải nghiệm với chúng tôi”, KTS Phạm Thị Ái Thủy cho biết.

Dẫn chúng tôi tham quan một vòng xưởng sản xuất linh vật, TS-KTS Phạm Thị Ái Thủy, Phó giám đốc Công ty TA Landscape Architecture - đơn vị trúng tuyển thiết kế đường hoa, cho biết từng chi tiết nhỏ của các linh vật, tiểu cảnh năm nay đều chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu xa gắn liền với chủ đề của đường hoa cũng như phù hợp với tình hình thích ứng an toàn với dịch bệnh.

Đơn cử, mọi năm hình ảnh linh vật lớn sẽ nằm ngay đầu đoạn cổng chào. Điểm khác biệt lớn nhất tại đường hoa năm nay là 2 chú hổ thiết kế theo kiểu lát cắt sẽ chỉ là màn chào hỏi “nhẹ”. Sau đó, mọi người đi tiếp qua cánh rừng thì không gian mới bắt đầu mở ra, đón linh vật lớn nhất. Điều này vừa phù hợp với đặc tính lẩn trốn của cọp, vừa trở thành khu vực rừng cây che bóng mát để người dân có không gian khai báo y tế, check-in trước khi di chuyển vào đường hoa. Bên cạnh đó, quan điểm và triết lý của đơn vị tư vấn thực hiện là khai thác, sử dụng tối đa những nguyên vật liệu bản địa. Mỗi linh vật hổ sẽ được hình thành bằng những chất liệu khác nhau, mang tính chất bản địa rất quen thuộc như mây, tre, sỏi suối được chọn lựa ngay ở các địa phương phía nam, kết hợp cùng những chất liệu có liên hệ với môi trường như rêu, lá…

Theo bà Thủy, sau thời gian dài quá bức bối, mệt mỏi vì dịch bệnh, nhiều công việc đình trệ, hầu hết mọi người đều cảm nhận được giá trị thực sự của cuộc sống. Người dân bây giờ cần là những trải nghiệm làm cho trái tim thêm phong phú. Họ muốn nhìn thấy những gì gần gũi nhất từ bản sắc dân tộc và hòa hợp với thiên nhiên, muốn có một cuộc sống chất lượng hơn, an toàn hơn…

Ước vọng về tương lai tươi sáng

Đường hoa Nguyễn Huệ được chia thành 3 phân đoạn, gồm “Về rừng sâu - Thiên nhiên tươi xanh”, “Xuân nghĩa tình - Tự hào Việt Nam” và “Ra biển lớn - Nước non hội ngộ”. Tại vị trí trung tâm cùng hai cổng chào tạo thành hình tam giác là hình ảnh tán rừng “Cây cao bóng cả” do 51 cây lộc vừng cao 3 - 4 m, được bố trí thành 5 dãy theo hình zíc zắc. Các hàng cây có chiều dài tăng dần từ ngoài vào trong làm tăng độ bao phủ, tạo bóng mát cho khu vực bên dưới, rộng hơn 250 m², vừa đủ cho sự tái hiện một khu rừng gần trên phố y như thật. Nếu “Cây cao bóng cả”, rừng chỉ rộng 250 m² thì tại tiểu cảnh “Hoa thơm cỏ lạ”, một diện tích rộng gần gấp 3 lần (khoảng 741 m²) lại được phủ bóng mát với gần 73 mái che có đường kính từ 1,4 - 2,8 m từ những tấm aluminum kết vải.

Ông Nguyễn Đông Hòa, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Saigontourist, Phó ban tổ chức Đường hoa Nguyễn Huệ, chia sẻ không chỉ áp lực về thời gian, dịch bệnh cũng khiến đơn vị tổ chức gặp nhiều khó khăn, từ khi thi tuyển thiết kế cho tới nhân công, nguyên vật liệu... Đặc biệt là về nguồn hoa. Dài hơn 600 m, Đường hoa Nguyễn Huệ năm nay sử dụng khoảng 80 loại hoa, gần 97.000 chậu, giỏ hoa các loại. Tuy nhiên, do thời gian giãn cách xã hội kéo dài, người nông dân giảm canh tác, nguồn hoa tươi giảm mạnh.

“Tuy khó, nhưng sau đại dịch, người dân TP vẫn cần một nơi để gửi gắm niềm tin và ước vọng vào một năm mới tươi sáng hơn. Đây chính là ý nghĩa lớn nhất của Đường hoa Nguyễn Huệ”, ông Hòa nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.