(TNO) Bệnh nhi nằm hành lang, người nhà bệnh nhân tận dụng bất cứ chỗ nào có thể để làm 'giường' bệnh là tình trạng quá tải tại các bệnh viện nhi đồng hiện nay khi nhiều bệnh đang ở đỉnh dịch.
Đến cả hành lang Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng hết chỗ cho bệnh nhi - Ảnh: Nguyên Mi |
Nhập viện 3 ngày… chưa có chỗ nằm
“Suốt mười mấy năm qua, chưa bao giờ bệnh viện phải tiếp nhận lượng bệnh nhi tăng đột biến cùng lúc cả ở khu khám bệnh lẫn nội trú và nhiều chuyên khoa như thế”, bác sĩ Ngô Ngọc Quang Minh, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết.
Ghi nhận của Bệnh viện Nhi đồng 1 cho thấy nếu như thời gian đầu tháng 9.2015, trung bình có khoảng 2.500 bệnh nhi đến khám mỗi ngày thì hiện nay, số lượng bệnh nhi đến khám đã tăng thành 6.500 bé/ngày. Đồng thời, số lượng trẻ phải nhập viện điều trị cũng tăng vọt, với trung bình 2.100 bé nằm viện mỗi ngày.
Trong khi đó, chỉ tiêu giường bệnh của toàn Bệnh viện Nhi đồng 1 chỉ có 1.400 giường bệnh và những ngày đông nhất bệnh viện từng tiếp nhận trước kia là 1.600 - 1.700 bé/ngày.
Số lượng bệnh nhi khám và nhập viện tăng đột biến đã làm cho Bệnh viện Nhi đồng 1 quá tải trầm trọng.
Trong khi đó, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) cũng đối mặt với tình trạng quá tải tương tự. Theo thống kê của Phòng kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 2, từ đầu tháng 10 đến nay (5.10), trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận hơn 7.000 bệnh nhi đến khám và hơn 2.000 bệnh nhi nằm viện hằng ngày.
Có được chỗ mắc võng để con nằm điều trị nội trú là điều may mắn của nhiều phụ huynh trong mùa bệnh dịch hoành hành, bệnh viện quá tải - Ảnh: Nguyên Mi
|
Không chỉ nằm ghép giường, mắc thêm võng trong phòng bệnh mà hành lang, gầm cầu thang… cũng được tận dụng tối đa đánh số thành “giường bệnh” cho bệnh nhi. Còn người nhà các bé thì có chỗ nào trống thì đứng ngồi, nghỉ ngơi “vật vạ” ở chỗ đó.
Luôn tay phe phẩy quạt cho con giữa trưa nóng bức và chật chội ở hành lang bệnh viện, chị Thanh Mai (ngụ Tiền Giang, chăm con nằm viện vì sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi đồng 1) chia sẻ: “Con em có chỗ nằm đây là may. Nhiều bé còn không có chỗ nằm, cha mẹ phải thay phiên nhau bồng đi tới đi lui hoài đó chị. Nhìn tụi nhỏ bệnh, mệt mỏi vậy thấy thương”.
“Cháu tôi nhập viện đã 3 ngày rồi nhưng vẫn chưa có được chỗ nằm trong phòng bệnh. Tối đến khi người qua lại đã vãn, tôi trải chiếu nằm ngoài hành lang, nhưng sáng ra phải tìm chỗ khác để mọi người lấy lối đi”, bà Trần Thị Lan (54 tuổi, ngụ tại Long An) xót xa nói trong khi trên tay bế cháu trai 3 tuổi đang khóc quấy, mệt đờ vì sốt xuất huyết.
Sốt xuất huyết, tay chân miệng, hô hấp cùng tăng
Theo bác sĩ Minh, trẻ tới khám và nằm viện tại Bệnh viện Nhi đồng 1 thời gian này chủ yếu là mắc các bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng và hô hấp. Trong đó, có đến 65% bệnh nhi là ở các tỉnh.
Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1, phải cải tạo mở rộng, tăng cường giường bệnh ở phòng cấp cứu để điều trị cho bệnh nhi nặng - Ảnh: Nguyên Mi
|
Bác sĩ Minh cho biết thêm, tại Bệnh viện Nhi đồng 1, các ca mắc sốt xuất huyết và tay chân miệng vào thời điểm cuối tháng 9 và những ngày đầu tháng 10 đã tăng lên gấp đôi so với đầu tháng 9. Trong cả tháng 9, Bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp nhận 400 bệnh nhi sốt xuất huyết nhập viện. Trong đó 120 bé bị sốt xuất huyết rất nặng và đã có 3 trường hợp vừa tử vong tuần qua.
Tương tự cũng đã có gần 900 trẻ bị tay chân miệng nhập viện điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 trong tháng 9. Thông thường, mỗi tuần bệnh viện chỉ có 80 - 90 ca tay chân miệng nội trú, còn hiện nay có đến hơn 300 ca/tuần.
“Tay chân miệng, sốt xuất huyết là bệnh có số lượng bệnh nhi mắc tập trung đông nhất hiện nay và vẫn có dấu hiệu tăng vì đang ở đỉnh dịch. Không chỉ thế, còn có các bệnh về hô hấp cũng tăng từ tháng 8 tới nay và chưa có dấu hiệu giảm. Rất nhiều bệnh nhi bị viêm tiểu phế quản, viêm phổi phải nhập viện do thời tiết nắng mưa thất thường”, bác sĩ Minh nhận định.
Bệnh viện “căng sức” với quá tải
Bác sĩ Lê Bích Liên, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1, lý giải: Nhiều dịch bệnh tăng nhanh cùng lúc và đang ở giai đoạn đỉnh dịch. Đồng thời, tâm lý lo lắng của phụ huynh muốn con hưởng sự chăm sóc y tế tốt nhất nên đã đổ dồn về tuyến trên ở TP.HCM trong khi nhiều bệnh có thể điều trị tại bệnh viện địa phương. Đó là nguyên nhân khiến các bệnh viện nhi đang quá tải đột biến.
“Chúng tôi đã tăng cường mỗi ngày từ 5 - 10 bàn khám ở khu khám bệnh. Ngay cả vào giờ nghỉ trưa từ 11 giờ 30 - 12 giờ 30, chúng tôi cũng huy động các điều dưỡng, bác sĩ làm thêm để giải quyết số bệnh nhi còn lại từ sáng”, bác sĩ Liên nói.
Bên cạnh đó, bệnh viện cũng che chắn, cải tạo tại hành lang, lắp quạt, bố trí thêm được 150 giường so với năm 2014. Phòng cấp cứu, đang từ 8 giường lưu bệnh cũng được nâng lên thành 20 giường.
Qua đó, bác sĩ Liên khuyến cáo phụ huynh hãy chung tay với ngành y tế; bằng cách: giữ gìn môi trường sống sạch sẽ, quan tâm tới vệ sinh và dinh dưỡng của con cái để trẻ có thể trạng tốt, sức đề kháng cao với bệnh tật. Với những bệnh lý đơn giản, có thể điều trị tại bệnh viện địa phương, nếu dồn hết về bệnh viện tuyến trên sẽ quá tải. Mật độ bệnh nhi đông càng khiến nguy cơ lây nhiễm chéo của các bệnh gia tăng.
|
Bình luận (0)