|
Quán cà phê chim của bác Nguyễn Đức Dưỡng (65 tuổi, ở đường Lê Thánh Tôn), tuy mới mở được chừng bốn tháng nhưng khá đông khách mỗi sáng. Đây cũng là địa điểm tổ chức hội thi chim chào mào lần thứ nhất vào đầu năm nay với sự tham dự của giới chơi chim cảnh toàn tỉnh. Ngoài những vị khách bình thường, quán là nơi thu hút nhiều thành viên chơi chim cảnh ở khu vực nội thành. “Sáng mô anh em cũng đem chim đến quán, móc lồng chim lên giá rồi tìm cho mình một chỗ ngồi để nghe chim hót. Thường thì khoảng 60 - 70 người đến quán mỗi sáng, còn vào mùa mưa ít hơn, nhưng cũng được 20 - 30 người!” ông Dưỡng nói.
Một quán cà phê chim khác nằm trên thượng thành thuộc đường Xuân 68. Chủ quán là ông Lê Phước Cao Nguyên (48 tuổi), cũng là một người chơi chim cảnh. Ông Nguyên cho hay quán đã mở được ba năm, mỗi sáng những người chơi chim cảnh mang 30 - 40 lồng chim đến vừa uống cà phê vừa nghe những chú chào mào “đọ tiếng”. “Cũng vì đam mê chim cảnh nên tui mở luôn quán cà phê chim ni. Vừa kinh doanh nhưng cũng để làm sân chơi cho anh em cùng sở thích” ông Nguyên hào hứng kể. Theo ông Nguyên, tiêu chí của một con chim chào mào tốt trước hết phải có hình dáng đẹp, dài, chân cao, bộ yếm, mào phải dày, lông đuôi dài, thẳng nhọn và có giọng hót hay. Đặc biệt phải có một giọng chét vừa dài vừa to để có thể uy hiếp đối thủ, đồng thời thể hiện được những màn trình diễn đẹp mắt như xòe lông, rũ cánh tạo dáng, tạo thế, dang cánh và “làm nước” tốt (tức hụp lặn trong lọ nước rồi xù lông, rủ cánh, nhào lộn). “Những người đam mê chim thật sự thì họ thường tự mình lên vùng đồi núi ở Nam Đông, A Lưới, Bình Điền để bẫy… Chim chào mào ở vùng đó mới có được giọng hót hay, lạ” - ông Nguyên tiết lộ.
Thú chơi tao nhã
|
Không phải mất quá nhiều thời gian để có thể tìm một quán cà phê chim ở bờ bắc lẫn bờ nam sông Hương. Tuy nhiên hiện phần lớn các quán cà phê chim ở Huế tập trung tại bờ bắc, khu vực nội thành Huế. Ở đó có nhiều cây xanh, bóng mát, không gian lý tưởng để các thành viên của các hội chim cảnh mở những quán cà phê để quần hùng tụ hội. Ngoài quán cà phê của ông Dưỡng, anh Nguyên, nhiều quán đang hút khách khác như quán Anh Na (đường Đinh Tiên Hoàng), cà phê của CLB chim cảnh Huế (đường Lê Thánh Tôn), quán Cát Đằng (đường Lê Huân), hay những quán khu vực hồ Tịnh Tâm...
Đến những quán cà phê này hình ảnh đầu tiên có thể dễ dàng cảm nhận được là tiếng hót, kéo của những chú chim chào mào mà không phải âm thanh phát ra từ các chiếc loa điện. Nơi này có mọi lứa tuổi từ học sinh, sinh viên, trung niên, đến các cụ già. Khách gọi một ly cà phê giá chỉ 6 ngàn đồng rồi thảnh thơi nhâm nhi, lắng lòng nghe tiếng chim hót vào mỗi sáng sớm trước khi bước vào một ngày làm việc căng thẳng.
Anh Nguyễn Phước Bảo Long (38 tuổi, ở đường Phan Đăng Lưu), người đã có “thâm niên” chơi chim cảnh 20 năm nay cho biết, thú chơi chim cảnh ở Huế xuất hiện đã từ rất lâu, nhưng vào khoảng năm 2000 mới được phát triển mạnh và lan rộng. Hiện nay phong trào chơi chim chào mào phổ biến trên phạm vi toàn quốc nhưng Huế là cái nôi của giống chim chào mào. Từ bắc vào nam đều đến đất cố đô để mua chim vì chim ở Huế có giọng đấu hay và bộ mã rất đẹp. Còn anh Nguyễn Xuân Từ (trú tại 8/78 Xuân 68) vị khách thường mang chim đi uống cà phê mỗi sáng cho hay gọi là thú vui nhưng người chơi chim bỏ ra một số tiền không nhỏ để sở hữu một con chim tạm hài lòng. Giá của những con chim này khoảng từ vài trăm nghìn đế cả trăm triệu đồng. Thậm chí, người chơi chim còn rất cầu kì khi chọn chiếc lồng có giá từ vài trăm ngàn đến vài chục triệu đồng. “Con chim quý phải ở lồng son mà” anh Từ nói vui.
Minh Trang - Đ.Toàn
Bình luận (0)