Sau khi lư hương ở Công trường Mê Linh được an vị tại đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo, sân đền vẫn có 3 lư hương tổng cộng. Người dân vẫn đến đây thắp nhang, hành lễ như thường ngày.
Trưa 20.2, lễ an vị lư hương trước tượng đài Đức Thánh Trần Hưng Đạo (Công trường Mê Linh, Q.1) đã diễn ra tại tại Đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo (36 Võ Thị Sáu, Q.1). Theo đó, sau khi lư hương được chuyển đến Đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo, việc thắp hương và dâng hương sẽ chỉ diễn ra ở đền thờ này.
Vẫn có 3 lư hương như trước
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, sau khi việc di dời lư hương hoàn thành, hoạt động thắp hương, dâng lễ tại Đền thờ Đức Thánh Trần vẫn diễn ra bình thường như mọi ngày. Được biết, trước đó, khu vực sân đền có tổng cộng 3 chiếc lư hương. Chiếc lư hương được dời từ Công trường Mê Linh về hiện thay thế vị trí một lư hương nhỏ và thấp hơn được ở phía ngoài cùng (từ cổng vào).
Vậy cụ thể, từ ngoài cổng bước vào, đầu tiên là lư hương được chuyển về từ Công trường Mê Linh và tiếp theo là 2 lư hương đã đặt ở sân đền từ trước.
Đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo hiện có 3 chiếc lư hương lớn trên sân. Trong đó, lư hương ở Công trường Mê Linh đã thay thế vị trí một lư hương nhỏ HOÀI NHÂN
Lư hương ở Công trường Mê Linh sau khi an vị ở đền cao hơn lư hương ở phía sau (đặt trước tượng Đức Thánh Trần) HOÀI NHÂN
Chiếc lư hương trước tượng Đức Thánh Trần ở đền thờ (cái đặt sau lư hương mới). HOÀI NHÂN
Đây là chiếc lư hương còn lại, được đặt trong cùng HOÀI NHÂN
Để đảm bảo an toàn, hoạt động thắp nhang chỉ được diễn ra ở sân đền HOÀI NHÂN
tin liên quan
Nhiều nơi vẫn có tượng đài Đức thánh Trần Hưng Đạo với lư hương đặt phía trướcKhách thập phương khi đến dâng hương, hành lễ sẽ được những người cung cấp nhang đèn, đồ lễ trong sân trực tiếp hướng dẫn cách cúng bái, lời khấn vái. Theo những người bán ở đây, tất cả có 4 gian đồ cúng, đều là công việc của ông bà, cha mẹ để lại từ trước năm 1975 cho đến bây giờ.
“Trước hết đến thắp lư hương Trời Phật trong cùng trước, sau đó đến lư hương trước tượng Đức Thánh rồi đến lư hương thờ thiên ngoài cùng. Ngoài ra có thể thắp thêm nơi thờ Thần Tài, ông Địa ở góc trái, sau đó đi lên khu lễ Phật ở trên lầu. Tổng cộng có 5 chỗ để thắp nhang khấn vái. Còn trong đền thờ thì không được mang nhang này vào, chỉ để hành lễ, xin ấn thôi, tránh cháy nổ đảm bảo an toàn”, một người bán ở đây hướng dẫn.
Hằng năm, đền thờ đều tổ chức các ngày lễ lớn, trong đó có lễ giỗ 20.8 âm lịch và lễ 10.12 âm lịch (kỷ niệm ngày sinh của Hưng Đạo Đại Vương). Vào ngày thường, khá nhiều người dân đến dâng hương, hành lễ HOÀI NHÂN
Để tránh cháy nổ, bên trong đền thờ sử dụng nhang vòng. Khách thập phương chỉ được mang lễ vật vào cúng bái và xin ấn HOÀI NHÂN
Nhiều người dân lần đầu đến đền thờ loay hoay không biết nên thắp nhang ở đâu trước HOÀI NHÂN
Một người dân thành tâm khấn vái HOÀI NHÂN
Cô Thái Thị Hoài (41 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh), một khách đến thắp hương tại đền Trần, cho biết: “Trước kia mẹ vẫn hay đi dâng lễ và dắt tôi theo, bà bảo đền Đức Thánh rất thiêng. Giờ bà mất rồi, nhưng tôi vẫn thường đến đây cầu an, cầu cho gia đình làm ăn suôn sẻ, người thân tai qua nạn khỏi. Trước kia tôi thấy mẹ thắp nhang từ ngoài vào trong nên giờ cũng làm theo. Nhưng chủ yếu vẫn là cái tâm của mình”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Minh (50 tuổi, ngụ Củ Chi) cho biết: “Mỗi năm tôi đến đây hành lễ 2 lần, vào ngày giỗ và lễ sinh của Đức Thánh Trần. Mấy hôm nay nghe vụ di dời lư hương Ngài về nên cũng sắp xếp đến đây thắp hương và xem thế nào. Vị trí cũng không có gì thay đổi, vì lư hương được dời về an vị tại chỗ lư hương cũ. Phần mình là cứ thành tâm khấn vái và thắp hương cả 3 chỗ là được”.
Sau khi thắp nhang ở 3 lư hương lớn, khách thập phương có thể thắp ở nơi thờ Thần Tài, ông Địa cạnh bên bức phù điêu "Hịch tướng sĩ" HOÀI NHÂN
Phía trên của "Phòng trưng bày thời Trần 1225 - 1400" là khu vực lễ Phật. Có một chiếc lư hương nhỏ nữa được đặt ở đây HOÀI NHÂN
Nhiều du khách nước ngoài cũng tìm đến viếng thăm đền thờ HOÀI NHÂN
Nơi thờ tự thường có 3 lư hương theo tam cực của đạo giáo
Theo chuyên gia phong thủy Nguyễn Võ Uyên Mi (Trung tâm phong thủy Đông Phương Cát, TP.HCM), cấu trúc thờ tự thường tuân theo phong thủy tâm linh để bố trí làm sao cho đạt năng lượng tốt nhất. Các nơi thờ tự thường có 3 chiếc lư hương (hoặc nhiều vật thờ khác cũng có số lượng 3) vì nương theo tam cực trong triết lý cổ của đạo giáo, gồm vô cực, thái cực và hoàng cực.
tin liên quan
Chuyện vali bị hỏng ở sân bay Tân Sơn Nhất: ‘Ông cựu đại sứ còn bị, huống gì…’“Cấu trúc chung để bố trí thờ tự có 3 cấp bậc. Lư hương phía trong cùng (thường đặt hẳn trong chánh điện) để thờ đấng tối cao, đức chí tôn, Đức Phật, Trời. Kế đến là lư hương cho vị thần, thánh, Phật tiêu biểu của địa điểm đó, đền thờ đó. Ngoài cùng là lư hương cho hoàng thiên hậu thổ, thường cho khách thập phương thắp để “chào sân”, bắt đầu hành lễ”, bà Mi giải thích.
Theo đó, chuyên gia cũng cho biết, lư hương phía ngoài cùng thường phải được đặt thấp nhất và cao dần vào bên trong. Vì nguyên lý của “khí” phải đi theo một mạch, một luồng suôn sẻ. Nếu thứ tự cao thấp thất thường, xét về cấp bậc để thờ và năng lượng để đi đều không đúng.
“Còn việc thắp hương, đúng nhất là đi từ ngoài vào trong, từ thấp đến cao. Nói đơn giản như đến một ngôi nhà, cũng phải chào hỏi những người hàng xóm hoặc người ở trước sân trước mới vào gặp chủ nhà. Đến một công ty, phải qua cổng bảo vệ trước rồi mới vào gặp giám đốc, người đứng đầu. Không nên xộc vào trong cùng trước, phải đi theo cấp bậc thờ tự”, bà Mi cho hay.
Theo một chuyên gia phong thủy, các lư hương phải đặt theo thứ tự cao dần, việc thắp hương nên được thực hiện từ ngoài vào trong HOÀI NHÂN
Bình luận (0)