Đến với người dân vùng lũ ở Thừa Thiên Huế: Vẫn còn nhiều nỗi đau chưa tan...!

11/12/2004 15:54 GMT+7

Trong hai ngày 8 và 9/12, đại diện Báo Thanh Niên và Công ty Prudential đã đến các vùng bị thiệt hại nặng nhất trong trận lũ vừa qua (từ 24-27/11/2004) ở Thừa Thiên Huế, chia sẻ một phần khó khăn với những với những người dân bị tai ương, hoạn nạn. Dù đã trên 10 ngày nước lũ đi qua những vẫn còn rất nhiều nỗi đau vẫn chưa tan...

Quảng Phú là một xã vùng trũng của huyện Quảng Điền, nơi bị lũ tàn phá không thua gì trận lũ lịch sử năm 1999. Tại đây Báo Thanh Niên và Công ty Prudential đã hỗ trợ 30 hộ nông dân trong diện có nguy cơ thiếu đói giáp hạt (200.000đồng/hộ), giúp gia đình anh Trần Quý, ở thôn Nghĩa Lộ, xây mới một căn nhà tình nghĩa trị giá 15 triệu đồng; đến chia buồn và hỗ trợ 3 triệu đồng cho 2 gia đình: anh Trần Đình Chứ (40 tuổi) và em Thái Viết Lâm (23 tuổi) bị thiệt mạng do cơn lũ gây ra. Anh Chứ và vợ ngoài làm ruộng, hết vụ họ làm thêm nghề bán khuôn đậu (đậu phụ), để kiếm tiền nuôi 4 đứa con ăn học. Khi thấy nước lũ đã tạm lắng vợ chồng anh sợ đậu hư đã mang đi bán, nhưng không ngờ nước lũ dâng cao trở lại và họ đã bị cuốn trôi, người dân địa phương chỉ kịp cứu người vợ còn anh đã bị con nước dữ nhấn chìm. Nỗi đau đến với gia đình em Thái Viết Lâm lại thê thảm hơn, khi cả gia đình chỉ dồn sức lo cho em ăn học. Mới tốt nghiệp cao đẳng ngành thương mại, chưa kịp xin việc làm thì nước lũ đã cướp đi niềm hy vọng của cả gia đình. Cũng tại Quảng Điền, chúng tôi đã đến thăm và hỗ trợ 3 triệu đồng cho gia đình anh Lê Đức Hoàng (xã Quảng Phước) bị thiệt mạng do nước cuốn trôi khi đang di chuyển tài sản tránh lũ.

Đại diện Báo Thanh Niên và ông Nguyễn Đăng Đoàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền trao quà cho các hộ vùng lũ Ma Nê, xã Phong Chương.

Tại huyện Phong Điền, chúng tôi cũng đã đến chia sẻ khó khăn với 30 hộ dân ở thôn Ma Nê, xã Phong Chương (200.000 đồng/hộ). Ma Nê được xem như một ốc đảo của huyện Phong Điền, 30 hộ dân nơi đây lam lũ quanh năm với 4 bề sông nước, thuộc vùng hạ lưu sông Ô Lâu, đã được bạn đọc cả nước lần đầu tiên biết đến qua Báo Thanh Niên năm 1992... Giờ đây, nhờ được sự đầu tư cơ sở hạ tầng, đời sống của người dân trên “ốc đảo” Ma Nê đã tương đối được cải thiện. Tuy nhiên, việc học tập của con em vẫn còn bao khó khăn thiếu thốn và vất vả. Cơn lũ vừa qua cũng tàn phá nghiêm trọng đối với người dân trên ốc đảo này. Hàng ngàn gia súc, gia cầm, lồng nuôi cá... đã bị cuốn trôi. Do vậy, hiện sau lũ người dân Ma Nê đang đứng trước nguy cơ có thể thiếu đói trong vài tháng tới. Cũng tại Phong Điền, chúng tôi đã đến thăm gia đình anh Hồ Thắng (xã Phong Sơn) và gia đình em Lê Văn Điểm (xã Phong Hòa) bị thiệt mạng do lũ cuốn trôi.

Tại TP Huế, sáng 9/12, quà của Báo Thanh Niên và Công ty Prudential cũng đã đến được tận tay 25 hộ bị thiệt hại do cơn lốc lớn xảy ra trong những ngày mưa lũ của tháng 11, làm tốc mái, sập và hư hại nặng; chia buồn với gia đình ông Nguyễn Mai (83 tuổi, ở Xóm Gióng, xã Thủy An, ) và gia đình em Huỳnh Văn Tâm (xã Hương Sơ) bị thiệt mạng do lũ, mỗi hộ 2 triệu đồng và trao tiền cho gia đình nạn nhân Nguyễn Thị Mỹ Phương bị chết đuối tại xã Thủy Dương huyện Hương Thủy (số tiền này UBND xã Thủy Dương đã nhận thay để chuyển cho gia đình em ở Trà Vinh).

Những người con anh Trương Văn Chiến (ở Lộc Thủy) trong nỗi đau mất cha

Tại Phú Lộc, chúng tôi cũng đã đến thăm chia buồn và động viên gia đình anh Trương Văn Chiến ở xã Lộc Thủy. Anh Chiến là lao động chính duy nhất của hơn 10 miệng ăn trong gia đình. Anh ra đi khi vừa tròn 50 tuổi, để lại đàn con 9 người bơ vơ, thơ thẩn, trong khi vợ bị tai biến nằm ốm liệt giuờng. Căn nhà dường như vẫn chưa tan không khí u buồn, ảm đạm. Người con trai đầu của anh Chiến năm nay 30 tuổi, chưa lập gia đình giờ phải cáng đáng cả một bầy em ăn học. Thấy chúng tôi đến những đứa trẻ chỉ biết quấn quanh chân người dì ruột, mắt thâm quần vì nhớ cha. Khi tôi hỏi bây giờ các cháu muốn gì? Em Trương Thị Thủy, học sinh lớp 11 trường THPT Thừa Lưu chợt không kìm nổi nước mắt và khóc òa làm cho cả nhà cũng òa khóc theo. Em Trương Thị Thắm, học sinh lớp 8 nói trong nước mắt: Em chỉ cần ba sống lại...! Bây giờ, ngoài một người con gái thứ nhì đã đi lấy chồng, 8 anh em còn lại (trong đó có 4 em đang còn đi học) phải côi cút nuôi nhau và còn lo thuốc thang cho mẹ. Với những nỗi đau quá lớn như thế này, món quà 3 triệu đồng của chúng chỉ đủ chia sẻ một phần khó khăn trước mắt của các em. Chúng tôi kêu gọi sự giúp đõ từ bạn đọc đối với những người con thơ dại của anh Chiến, để các em có thể vượt qua được khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Hôm 10/12, quà của Báo Thanh Niên và Công ty Prudential sẽ tiếp tục đến chia sẻ khó khăn với đồng bào của vùng lũ thuộc tỉnh Quảng Trị.

Ngọc Thảo Nguyên - Bùi Ngọc Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.