Đường Trần Phú là con đường đẹp nhất TP.Nha Trang. Thế nhưng những mối lợi từ các dịch vụ đã biến con đường này thành nơi kinh doanh nhà hàng, khu nghỉ mát, khu ẩm thực, che khuất luôn vịnh Nha Trang.
Nhếch nhác
Đường Trần Phú kéo dài từ cầu Trần Phú ở phía bắc đến Công viên Bạch Đằng ở phía nam, thành “mặt tiền” của toàn bộ TP.Nha Trang nhìn ra biển. Vịnh Nha Trang, một trong những vịnh đẹp nhất thế giới chỉ có thể chiêm ngưỡng từ con đường này đối với du khách không có điều kiện đi máy bay để nhìn vịnh từ trên cao. Tuy nhiên, hàng loạt các dịch vụ nhà hàng, khu nghỉ dưỡng và công trình công cộng đã mọc lên mà thiếu sự sắp đặt có tính chuyên nghiệp khiến cho bờ biển đẹp nhất nước này thành một nơi khá luộm thuộm và nhếch nhác.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên - Môi trường Khánh Hòa, hiện có 7 công trình đang tồn tại ở phía đông đường Trần Phú, gồm: Cửa hàng mỹ nghệ, Trung tâm du lịch Bốn Mùa, nhà hàng giải khát nhẹ Lousiana, Công viên Phù Đổng, Cảng du lịch phục vụ làng du lịch Bãi Trụ - Đầm Già; khu nghỉ mát Ana Mandara và các dịch vụ du lịch quầy bar, nhà hàng của Câu lạc bộ Bơi thuyền Nha Trang. Cả 7 công trình này đã chiếm đến 2/3 “mặt tiền” bờ biển này.
Mặc dù từ năm 1992, tỉnh Khánh Hòa đã có các đồ án quy hoạch tổng thể TP.Nha Trang, trong đó xác định dải đất phía đông đường Trần Phú được quy hoạch là công viên công cộng, thế nhưng cả 7 công trình trên đây đã được UBND tỉnh qua các thời kỳ khác nhau cấp phép cho hoạt động mà thời hạn của một số công trình đến năm 2023 mới kết thúc! Riêng khu nghỉ mát Ana Mandara hình thành từ những năm 80 của thế kỷ trước nhưng sau này họ “củng cố” thêm bằng các công trình kiến trúc tương đối vững chắc, còn những hơn 10 năm nữa mới hết thời hạn (2.8.2022).
Điều đáng nói là, trong các đồ án quy hoạch của mình, tỉnh Khánh Hòa vẫn luôn xác định rằng dải đất phía đông đường Trần Phú phải là công viên ven biển, kết hợp dịch vụ du lịch và phục vụ công cộng cho TP.Nha Trang. Theo đó, ranh giới của các khu này không được đóng kín, chia cắt bờ biển và che khuất tầm nhìn. Nhưng các công trình kể trên nơi thì tranh tre luộm thuộm xộc xệch như Sailing Club, chỗ thì “bít” luôn tầm nhìn hàng trăm mét như khu nghỉ mát Ana Mandara... Thậm chí có nơi đã tự giăng cờ, khoanh luôn “lãnh địa” bờ biển của riêng mình!
|
Dọn đường... ngắm biển
Có lẽ các nhà quản lý của tỉnh Khánh Hòa hiện nay đã “nhìn ra” sự thiếu chuyên nghiệp của một thành phố du lịch hàng đầu đất nước nên họ quyết tâm sắp xếp lại, dù nhiều công trình ở phía đông đường Trần Phú thời hạn cuối cùng của nó đến hơn 10 năm nữa mới kết thúc. Theo đó, khuôn viên hàng chục ngàn mét vuông của khu nghỉ dưỡng Ana Mandara là “cục xương” khó nhằn nhất vì các công trình kiến trúc của họ tương đối quy mô và vững chắc nhưng cũng phải chuyển đi, thời hạn cuối cùng là đến năm 2014. Ông Lâm Duy Anh Cường, Giám đốc khu nghỉ dưỡng này xác định, vì sự phát triển của thành phố, đơn vị sẵn sàng chuyển đến chỗ khác, chuyện giải tỏa đền bù sẽ thực hiện theo đúng quy định của nhà nước hiện hành.
Ông Lê Đức Vinh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, không phải tất cả các công trình hiện tại đều phải chuyển dời mà một số cần được sắp xếp lại sao cho hợp lý, mỹ quan, phục vụ tốt nhất cho du khách và người dân. Mới đây, Tập đoàn Dewan (Ấn Độ) đã có buổi làm việc với tỉnh Khánh Hòa để trình bày ý tưởng về việc đầu tư dự án Phát triển phía đông đường Trần Phú, Nha Trang. Theo đó, toàn bộ phía đông đường Trần Phú sẽ được sắp xếp lại, mỹ quan và hiện đại hơn với nhiều loại hình dịch vụ phục vụ khách du lịch và người dân địa phương mà không làm khuất lấp vịnh Nha Trang. Ý tưởng này đang được tỉnh Khánh Hòa trình Bộ VH-TT-DL để xem xét. Nếu thuận lợi, dự án sẽ hoàn thành vào năm 2016, kịp phục vụ Đại hội Thể thao bãi biển châu Á tại Nha Trang. Và dự án này sẽ “kết thúc” thời kỳ luộm thuộm kéo dài hàng chục năm qua của bờ biển đẹp nhất nước này.
Trần Đăng - Thiện Nhân
Bình luận (0)