Dệt may nội địa bị cạnh tranh khốc liệt

11/09/2011 17:05 GMT+7

8 tháng đầu năm nay, ngành dệt may đã xuất khẩu đạt 9 tỉ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm trước. Thế nhưng, rất hiếm doanh nghiệp chuyên may hàng xuất khẩu dám quay về sản xuất hàng cho thị trường nội địa mặc dù có hàng chục năm kinh nghiệm với vài ngàn công nhân trong tay.

Ông Phạm Xuân Hồng - Tổng giám đốc Công ty may Sài Gòn 3 - thừa nhận: bản thân công ty này có kinh nghiệm  may hàng xuất khẩu cho các đối tác lớn từ Mỹ, Nhật từ lâu nhưng sẽ rất khó khăn nếu tham gia sản xuất cho thị trường trong nước. Bởi theo ông Hồng, Sài Gòn 3 chỉ có vốn điều lệ 30 tỉ đồng nhưng doanh thu 2011 dự kiến khoảng 1.200 tỉ đồng và lợi nhuận ở mức hơn 40 tỉ đồng. Đó là những con số mà doanh nghiệp sản xuất cho thị trường VN sẽ khó đạt tới. Ông Hồng đưa ra ví dụ: 1m vải jeans nhập khẩu về sản xuất, công ty tính cho khách hàng là 6 USD. Nhưng đối với hàng bán trong nước thì tính ra 1m này chỉ có giá 1,5 USD. Ông đặt câu hỏi: Không biết các doanh nghiệp sản xuất hàng trong nước làm thế nào được với mức chi phí này? Đó là chưa kể VN hoàn toàn thiếu khâu nghiên cứu thị hiếu của người tiêu dùng và  thiếu các nhà thiết kế phù hợp với thị hiếu đó. Bản thân mỗi doanh nghiệp phải tự bơi nên sẽ càng thêm khó khăn. Điều đó khiến cho các doanh nghiệp chuyên sản xuất sản phẩm cho thị trường nội địa luôn đứng trước vô vàn nỗi lo.  Theo bà Ngô Thị Báu, Tổng giám đốc Công ty dệt may Nguyên Tâm (thương hiệu FOCI), loại hình sản phẩm thời trang cần diện tích mặt bằng lớn trong khi giá mặt bằng đã gia tăng liên tục khiến cho doanh nghiệp khốn đốn. Đó là chưa kể, hàng nội địa còn phải cạnh tranh với  hàng nhái, hàng giả vẫn công khai bày bán khắp nơi mà không hề bị cơ quan chức năng xử phạt. Bà Báu nói thêm: “Nếu sản phẩm may mặc từ Trung Quốc được nhập khẩu chính ngạch về VN thì cũng sẽ khó cạnh tranh với sản phẩm trong nước. Nhưng lượng hàng nhập lậu hoặc theo đường tiểu ngạch đang tràn ngập thị trường với giá rất thấp nên sản phẩm trong nước khó cạnh tranh lại”.


Hàng thời trang trong nước đang cạnh tranh khốc liệt với hàng nhập khẩu - Ảnh: D.Đ.M

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, với hơn 86 triệu dân hiện nay, thị trường tiêu thụ nội địa rất lớn cho các doanh nghiệp sản xuất hàng dệt may. Tốc độ tăng trưởng trong tiêu thụ hàng nội địa đạt khoảng 15%/năm, nhưng thực tế chỉ chiếm 1/4 năng lực sản xuất. Phần lớn doanh nghiệp dệt may trong nước chỉ chú trọng xuất khẩu, chưa quan tâm phát triển xây dựng thương hiệu tại thị trường nội địa. Những doanh nghiệp đã xây dựng thành công hệ thống phân phối của riêng mình như Việt Tiến, Nhà Bè, Thành Công, NinoMaxx,… vẫn còn đếm trên đầu ngón tay và chiếm tỷ lệ thị phần còn khá khiêm tốn so với tổng dung lượng của cả thị trường. Trong khi đó những thương hiệu thời trang lớn trên thế giới như Levi’s, D&G, Lolita, Valentino, BCBG,… đều đã có mặt tại thị trường VN và đang dần dần mở rộng hoạt động kinh doanh của mình.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Hương - Tổng giám đốc hệ thống siêu thị Vinatex Mart -7 tháng đầu năm, doanh thu hàng dệt may của toàn hệ thống đạt trên 1.000 tỉ đồng và vẫn có thể tăng lên gấp 3 lần nữa nếu làm tốt hơn từ khâu quản lý, tiếp thị đến tư vấn cho khách hàng… “Thị trường dệt may VN còn tiềm năng rất lớn. Nhất là xu hướng người dân ở các tỉnh, vùng xa cũng biết quan tâm đến sản phẩm thời trang và đi vào mua sắm ở các trung tâm thương mại đang gia tăng nhanh chóng. Điều đó đòi hỏi bản thân nhà phân phối như Vinatex Mart và các doanh nghiệp sản xuất cũng phải luôn cải tiến để đưa ra sản phẩm chất lượng hơn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao”, bà Hồng Hương nói. Nhưng cái khó nhất của ngành dệt may VN vẫn là câu chuyện phụ thuộc nhiều vào nguyên phụ liệu nhập khẩu và khâu thiết kế. Việc xây dựng các trung tâm nguyên phụ liệu cho hàng dệt may đã được nhắc đến cách đây 5-7 năm nhưng vẫn chưa có tiến triển gì. Vì vậy theo ông Phạm Xuân Hồng, rất cần sự quan tâm hỗ trợ của các cơ quan nhà nước trong việc thúc đẩy người Việt dùng hàng Việt để dệt may trong nước có thể thống lĩnh sân nhà.

Mai Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.