ĐH Đông Đô cấp bằng giả: Học viên cứ đóng tiền là có bằng

23/12/2021 13:48 GMT+7

Trả lời trước tòa, cựu hiệu trưởng Trường ĐH Đông Đô cho biết học viên cứ đóng đủ tiền là nhà trường thực hiện các thủ tục cấp bằng.

Sáng 23.12, Tòa án nhân dân TP.Hà Nội mở phiên sơ thẩm, xét xử 10 bị cáo là cựu lãnh đạo, cán bộ Trường ĐH Đông Đô về tội “giả mạo trong công tác”.

Cấp hơn 400 bằng giả, 10 cựu lãnh đạo, cán bộ Trường ĐH Đông Đô hầu tòa

Các bị cáo gồm: Dương Văn Hòa, cựu Hiệu trưởng; Trần Kim Oanh, cựu Phó hiệu trưởng; Lê Ngọc Hà, cựu Phó hiệu trưởng; Trần Ngọc Quang, cựu Phó trưởng phòng Quản lý đào tạo và quản lý sinh viên; Nguyễn Thị Huệ, cựu Trưởng phòng Tài chính - kế toán; cùng các cán bộ: Phạm Vân Thùy, Lê Thị Thanh Tâm, Nguyễn Thị Ngọc Thái, Ngô Quang Hiển và Lê Thị Lương.

Các bị cáo tại phiên tòa

trần cường

Tại tòa, các bị cáo thừa nhận cáo trạng truy tố đúng người, đúng tội, không oan sai; quá trình điều tra không bị mớm, ép cung, khai báo tự nguyện.

Là người đầu tiên được xét hỏi, bị cáo Dương Văn Hòa cho biết thời điểm bị cáo này giữ chức hiệu trưởng, Trần Khắc Hùng (bị cáo bị buộc tội là đối tượng cầm đầu và đang bỏ trốn) giữ chức Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Đông Đô. Kinh phí thành lập trường do bị cáo Hùng và một số công ty góp lại. Hùng có vai trò chỉ đạo, đứng đầu, nhiệm vụ của Hòa chỉ quản lý hành chính và thực hiện nhiệm vụ của Hùng giao.

Bị cáo Dương Văn Hòa, cựu Hiệu trưởng Trường ĐH Đông Đô

trần cường

Khai trước tòa, bị cáo Dương Văn Hòa cho biết, chủ trương đào tạo văn bằng 2 tiếng Anh được triển khai từ đầu năm 2019, và chủ trương này không đúng với chương trình đào tạo nên không hợp pháp.

Theo cựu Hiệu trưởng Trường ĐH Đông Đô, chủ trương cấp văn bằng 2 không qua đào tạo là của ông Trần Khắc Hùng. Xác nhận với HĐXX, bị cáo Hòa cho biết học viên cứ đóng đủ tiền là làm thủ tục cấp bằng.

“Ông Hùng tự quyết định, không qua họp Hội đồng quản trị và Ban giám hiệu trường. Ông Hùng chỉ đạo trực tiếp cho lãnh đạo 2 viện của trường, là Viện đào tạo liên tục và Viện 4.0”, bị cáo Hòa khai, đồng thời phủ nhận vai trò chỉ đạo cấp dưới cấp văn bằng 2. Theo bị cáo Hòa, bị cáo chỉ ký cấp bằng theo chỉ đạo của Trần Khắc Hùng và không được hưởng lợi gì.

Theo bị cáo Hòa, do tuổi đời còn trẻ, mới làm quản lý nên gần như tin tưởng vào các quyết định của Hội đồng quản trị; ông Hùng nói Hòa “cứ yên tâm làm đi, không sao đâu”, nên bị cáo làm theo và sau này mới biết là sai, thấy được hậu quả hơn 400 người dùng bằng giả.

Bị cáo Trần Kim Oanh, cựu Phó hiệu trưởng Trường ĐH Đông Đô

trần cường

Đến lượt mình, bị cáo Trần Kim Oanh khai chủ trương cấp văn bằng 2 tiếng Anh không qua đào tạo là do ông Trần Khắc Hùng đưa ra tại một cuộc họp với Ban giám hiệu, các viện, phòng, ban, mà không đưa ra tại cuộc họp hội đồng quản trị.

Trần tình về cáo buộc hưởng lợi 48 triệu đồng trong vụ án, bị cáo Oanh cho rằng đó là tiền thưởng. Cụ thể, bị cáo này viện dẫn theo quy định của nhà trường, phần thưởng cho mỗi hồ sơ tuyển sinh là 7 triệu đồng.

Theo bị cáo Oanh, ngay từ đầu, bị cáo đã thắc mắc với ông Trần Khắc Hùng về chủ trương cấp bằng không qua đào tạo, tuy nhiên, ông Hùng nói đã tìm hiểu, tham khảo ý kiến luật sư và nói không có vấn đề gì, có chăng chỉ bị phạt hành chính, các cán bộ, nhân viên thực hiện không phải chịu trách nhiệm gì.

“Bị cáo chỉ làm công ăn lương, nhà giáo 20 năm cống hiến trong ngành, mong muốn được đóng góp cho sự phát triển của nhà trường. Bị cáo chưa nhận thức, tìm hiểu rõ nên xảy ra sai phạm”, bị cáo Oanh nói.

Được đưa lên đối chất về khoản tiền thưởng/hồ sơ tuyển sinh mà bị cáo Trần Kim Oanh khai, bị cáo Hòa cho rằng bản thân không nắm rõ, không hưởng lợi, bởi trách nhiệm của hiệu trưởng phải làm, nếu không sẽ bị đuổi việc.

Theo cáo buộc, ông Trần Khắc Hùng và đồng phạm đã lợi dụng chức vụ quyền hạn để làm, cấp văn bằng 2 giả hệ chính quy ngành ngôn ngữ Anh cho những người có nhu cầu.

Từ tháng 4.2018 - 3.2019, ông Hùng và đồng phạm đã làm, cấp bằng, giấy chứng nhận giả cho 431 trường hợp, thu lợi bất chính hơn 7,1 tỉ đồng. Những trường hợp này hầu hết sử dụng giấy chứng nhận giả để thi tuyển công chức, nâng ngạch, làm nghiên cứu sinh, học thạc sĩ...

Các cơ quan tố tụng đã làm rõ trong số 431 trường hợp được cấp bằng giả, có 210 trường hợp được xác định rõ danh tính và kiến nghị xử lý theo quy định; còn lại 221 trường hợp đã xác định được họ tên, tuổi nhưng không xác định được nơi cư trú, đơn vị công tác. Các cơ quan tố tụng đã kiến nghị Bộ GD-ĐT xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân thuộc bộ này trong việc quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động của Trường ĐH Đông Đô.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.