'Đi cai thì em mới mong có cơ hội được sống'

30/12/2014 04:45 GMT+7

Trong ngày 29.12, TAND nhiều quận, huyện trên địa bàn TP.HCM mở phiên họp để ra phán quyết áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện.

Trong ngày 29.12, TAND nhiều quận, huyện trên địa bàn TP.HCM mở phiên họp để ra phán quyết áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện.

'Đi cai thì em mới mong có cơ hội được sống'
TAND Q.4 ra phán quyết đưa người nghiện đi cai bắt buộc vào sáng 29.12- Ảnh: Diệp Đức Minh
Tại phiên họp sáng 29.12 ở cơ sở xã hội Bình Triệu (Q.Bình Thạnh (TP.HCM), TAND Q.4 ra phán quyết buộc 24 người nghiện trước đó bị tạm giữ về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy trên địa bàn Q.4 và đang trong thời gian cắt cơn tại đây phải đi cai. Là người đầu tiên bị đại diện Phòng LĐ-TB-XH Q.4 đề nghị tòa áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc, L.A.T (30 tuổi) không hề có thái độ phản ứng. T. trình bày nghiện ma túy khi mới 15 tuổi, đã trải qua 2 lần cai nghiện tập trung với thời gian 48 tháng nhưng khi về lại địa phương ở P.2 (Q.3) thì tái nghiện. Do nghiện ngập kéo dài nên T. thường xuyên không ở nhà mà lang thang qua địa bàn các quận khác để tìm mua ma túy. Ngày 6.12, khi đang sử dụng trái phép chất ma túy ở P.16 (Q.4) thì T. bị lực lượng chức năng tạm giữ.
Cũng tại phiên họp, khi nghe tòa phán quyết buộc đi cai nghiện tập trung 24 tháng, H.T.S (31 tuổi) bày tỏ: “Đi cai thì em mới mong có cơ hội được sống lâu, chứ ở ngoài thì không biết sống được bao nhiêu ngày vì em còn bị nhiễm HIV/AIDS”.
Bà Lê Thị Hằng, Phó chánh án TAND Q.4, cho biết phiên họp được tổ chức đúng theo trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại TAND theo quy định hiện hành. Thành phần tham gia có thẩm phán, thư ký TAND; đại diện Viện KSND; đại diện Phòng LĐ-TB-XH - đơn vị đề nghị áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc và người bị đề nghị (người nghiện). Trong quá trình diễn ra phiên họp, người nghiện chỉ đứng khi thẩm phán kiểm tra nhân thân và lúc nghe phán quyết của tòa. Các phần còn lại như phần trình bày của đại diện Phòng LĐ-TB-XH, đại diện Viện KSND nêu quan điểm, tranh luận... thì người nghiện được ngồi.
Bà Hằng cho biết thêm, hầu hết người nghiện bị áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc đều bị nghiện nhiều năm, trước đó từng đi cai nhưng khi trở về địa phương thì tái nghiện và hiện không có nơi ở ổn định, trong đó nhiều người có tiền án về tội trộm cắp, cướp giật. Căn cứ vào mức độ nghiện của từng người, tòa đưa ra phán quyết cai nghiện bắt buộc tại các cơ sở cai nghiện của TP với thời gian từ 12 - 24 tháng. Theo quy định thì người nghiện có quyền khiếu nại về phán quyết của tòa trong thời gian 3 ngày làm việc.
Đã đưa gần 100 người nghiện đi cai bắt buộc
Chiều cùng ngày, cũng tại cơ sở xã hội Bình Triệu, TAND Q.7 và TAND Q.9 tổ chức phiên họp và ra phán quyết buộc 16 người nghiện đi cai bắt buộc; tại cơ sở xã hội Nhị Xuân (H.Hóc Môn), TAND Q.5 ra phán quyết buộc 9 người, TAND Q.8 ra phán quyết buộc 8 người đi cai.
Theo UBND TP.HCM, trong số gần 1.500 người nghiện được đưa vào các cơ sở xã hội từ ngày 5.12, tính đến nay Phòng LĐ-TB-XH các quận, huyện đã hoàn chỉnh khoảng 300 hồ sơ chuyển sang tòa án và đã có gần 100 người nghiện bị áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc. Số người nghiện còn lại đang tiếp tục được xử lý theo quy định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.