>> Trộm chó ở Sài Gòn
>> Khởi tố vụ “trộm chó bị đánh chết”
>> Diễn tập chống trộm chó
Phải qua tay “cò”
Tại TP.HCM, các điểm như cầu Kiệu (Q.1), Lê Hồng Phong (Q.10), chợ Ông Tạ (Q.Tân Bình), chợ Bùi Phát (Q.3), Bình Triệu (Q.Thủ Đức)… từ lâu được biết đến là những nơi khổ chủ thường đến tìm lại chó cưng sau khi bị mất. Cũng tại những địa điểm này, từ lâu xuất hiện đội quân “cò” tìm chó. Đa phần, những tay “cò” này là những người chạy xe ôm.
|
Vừa thấy chúng tôi rà xe và nhìn dáo dác trước khu vực chợ Ông Tạ, lập tức một nhóm xe ôm quây lại hỏi: “Tìm chó phải hông? Chó cảnh hay chó thường?”. Sau khi biết chúng tôi tìm chó cảnh, “cò” Bảy, một người chạy xe ôm kiêm “cò” tìm chó trên đường Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình), quả quyết: “Ở đây chỉ có chó thường để làm thịt, nhưng muốn tìm chó cảnh thì cũng bao luôn”. Sau khi thỏa thuận giá 50.000 đồng tiền dắt mối, “cò” Bảy bắt đầu hành trình dẫn chúng tôi đi tìm chó. Trên đường đi, “cò” Bảy luôn miệng: “Gần 10 năm nay, tui dắt không biết bao nhiêu người đi tìm chó tại khu vực này rồi. Có những người tìm được chó của mình vui quá bồi dưỡng tôi cả 500.000 đồng luôn đó. Ở đây có nhiều lò lắm, nhưng người lạ thì bất khả xâm phạm những chỗ đó. Muốn tìm chó, thì phải qua tay bọn tui”.
|
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại chợ Ông Tạ có hơn 10 “cò” tìm chó kiêm chạy xe ôm.
Trên đường Lê Hồng Phong, hằng ngày có tốp người thường trực làm “cò” trước các cửa hàng bán chó cảnh. “Ở đây, ngày nào chúng tôi cũng dắt không dưới 20 người đi tìm chó mà mấy ông sợ chúng tôi lừa tiền. 1, 2 xị (100.000 - 200.000 đồng - PV) của mấy ông đáng gì so với con chó cảnh hàng triệu đồng mà tiếc”, H. - một “cò” tại đây, thuyết phục khi thấy chúng tôi tỏ vẻ nghi ngại. Nói về nghề này, một người quen từng làm nghề “cò” chuộc chó bật mí với chúng tôi: “Chó bị mất khi chuộc không có giá cụ thể đâu, ít nhất là 1 chai (1 triệu đồng) trở lên. Nhưng đa phần các mối nhìn mặt và nước mắt giữa chủ và chó để hét giá. Hôm trước có bà kia nhìn thấy con chó của mình bị nhốt trong lồng, khóc quá trời nên bị “chặt” phải chi tới 5 chai mới được đưa chó về đó”.
Đầu nậu chuộc chó
Chó mất trộm tại Sài Gòn khi bán về các lò được phân loại thành chó thịt và chó cảnh. Sau khi phân loại, chó cảnh được đưa về các mối tại đường Lê Hồng Phong, chó thịt thì đưa đi chợ Ông Tạ hoặc đi Thủ Đức và Bình Dương. Trong giới đầu nậu chó cảnh phải kể đến một phụ nữ có tên L. tại khu chợ chó Lê Hồng Phong. Còn đối với chó thịt thì phải nhắc tới ông T. ở chợ Bùi Phát và P. ở chân cầu Kiệu. Người tìm chó cứ bỏ tiền chung chi cho “cò” dắt vô lò. Khi đến lò chỉ cần mang theo ảnh, hoặc nói đặc điểm, màu lông, giống chó, mất ở đâu, khi nào thì các ông “trùm” sẽ gọi điện dò la và tìm kiếm.
|
Theo “cò” Bảy, chúng tôi tới lò chó ông T. tại chợ Bùi Phát. Căn nhà rộng chưa đầy 30 m2 của ông T. nằm sâu trong hẻm nhỏ chỉ vừa 1 người đi lại, chủ yếu để đặt các lồng nhốt chó. Cạnh đó, 3 thanh niên đang ngồi làm thịt chó để đưa đi bán. Dẫn chúng tôi vào, chỉ nơi các lồng nhốt chó, ông T. bảo: “Vào đó xem thử, có con nào của mình không, không thì ra đây tôi gọi điện cho”. Thấy có người lạ, các chú chó nhảy cẫng lên vì tưởng chủ nhân mình tới đưa về. Sau khi chúng tôi lắc đầu vì không thấy chú chó cần tìm, ông T. móc điện thoại gọi cho ai đó và nói lại: “Mấy ông về đi, bỏ số điện thoại lại đây, hình như ngày giờ đó mấy thằng Q.8 có bán một con như vậy bên lò khác, tôi sẽ kiểm tra kỹ, có sẽ báo lại liền”.
Tại cửa hàng chó của bà L. trên đường Lê Hồng Phong, một buổi sáng chúng tôi chứng kiến hai thanh niên mặt mày bặm trợn, đi trên xe máy tấp vào giao chú chó Đức khá đẹp. Như quá quen thuộc, bà L. chạy đến ôm chú chó và bỏ vào lồng nhốt lại. Sau đó, quay ra bà cầm sổ ghi thông tin gì đó. Xong việc, hai thanh niên nhận 2 tờ 500.000 đồng từ bà L. và chạy mất hút.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, bà L. từ nhiều năm qua đã trở thành cái tên quen thuộc đối với các “cò” cũng như “trung tâm” chuộc chó cảnh. “Chó bị bắt, bán vào các lò, sau đó mới đưa ra tiệm để chúng tôi bán. Nếu mấy anh muốn tìm chó cứ bỏ tiền và số điện thoại lại đây đảm bảo sau 1 ngày sẽ tìm có ngay”, bà L. chắc nịch.
Có thể xử lý hình sự Luật sư Phạm Văn Thạnh (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng hành vi của người trộm chó dù lượng (tang vật) thu giữ có giá trị dưới 2 triệu đồng vẫn có thể xử lý hình sự nếu kẻ trộm đã có tiền án hoặc từng bị xử phạt hành chính về hành vi trộm chó, khi đó có thể khởi tố hình sự về tội "trộm cắp tài sản” theo điều 138 bộ luật Hình sự sửa đổi bổ sung năm 2009. Còn việc bắt giữ chó sau đó bắt chủ nhân phải bỏ hàng triệu đồng ra để chuộc lại là hành vi “cưỡng đoạt tài sản” theo điều 135 bộ luật Hình sự. Khung hình phạt cao nhất của tội này phạt tù từ 12 năm đến 20 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. |
Công Nguyên
Bình luận (0)