Từng có những ngày kiếm không đủ ăn, mà còn ốm đau bệnh tật, một mình nằm co ro nhìn tuyết trắng. Khi bên cạnh không có ai thân thích, rồi vẫn gắng gỏi vượt qua. Mơ ước kiếm đủ tiền vé máy bay, làm thủ tục trở về, nằm lòng câu nói của mẹ “còn người thì còn của”, câu nói hắt lên an ủi chị trên đường bay gần sáu tiếng đồng hồ ngược gió.
Thế rồi về vườn nhà, ngủ ở nhà, ngủ vùi cả tuần mới vươn vai đi lại. Hai tháng sau mới ra vườn trồng cam không hạt với mẹ. Ngày vun đất, tỉa cành, tưới cây. Tối về ăn cơm cá kho tương với dưa muối, mẹ vẫn để riềng lát dưới lớp thịt ba chỉ, kho niêu đất, miếng thịt thôi mỡ thấm vào cá ngon không thể tả.
Chập tối đi ngủ, nằm mãi, nhớ những ngày đi làm thuê ở vùng Tottori. Mới đầu làm đầu bếp ở gần một nhà hàng ven biển. Đôi chân lạnh đứng bếp lâu ngày đã dồn máu xuống bàn chân tím tái và bệnh viêm khớp tái phát khiến Lệ Dân phải nhận tin báo thôi việc vì không thể đứng bếp lâu.
Mãi hai tuần sau, gặp bạn Mobashi (người Nhật - vốn là khách chuyên tắm Osen truyền thống, hay dùng món súp cá ưa thích mà Dân nấu), bạn biết chuyện và giới thiệu cho Dân đến làm ở vườn lê của người quen. Những vườn lê quả xanh thì bọc giấy bạc, quả chín bọc giấy ngả vàng cho chim không thể đụng đến. Khi hái lê đóng thùng cho nhà hàng cũng phải dùng sức, chỉ có những ngày tỉa cành quét vườn là được hưởng không khí trong lành. Dành dụm được ít tiền gửi về cho mẹ, còn bản thân Lệ Dân chỉ đi mua hàng giảm giá dùng qua năm. Mùa đông ở nước Nhật cũng đầy tuyết như bên châu Âu, đói rét mà nghe điện của mẹ gọi sang, chị luôn dập máy gọi lại, trấn tĩnh mình vài giây, giọng đầy lạc quan nói con không có chuyện gì, làm ăn vẫn tốt.
tin liên quan
Nhịp đập tương laiNếu có sức khỏe thì lao động ở bên Nhật kiếm ăn cũng khá, nhưng hiềm nỗi người VN quen sống giờ giấc “cao su” đi muộn về sớm, không hợp với tác phong làm việc của người Nhật. Số ít đã dính kỷ luật và bị sa thải. Có người sống vài năm ở Nhật mới hiểu ra văn hóa của mỗi nước thật khác biệt. Nếu không trang bị kiến thức văn hóa, họ sẽ vấp. Họ vỡ vạc ra sau những trả giá sinh hoạt, va đập thường ngày.
Khi làm ở vườn lê, Lệ Dân cũng từng thấy đoàn khách du lịch VN đến thăm. Họ ăn lê thả sức, họ hái rõ nhiều và ăn dở rất lãng phí. Bữa ăn buffet cũng vậy, lấy thừa mứa, không ăn hết bỏ đó, và người Nhật lặng lẽ thu dọn. Có lần, người chủ vườn lê than thở với chị, nói người Việt sao không tiết kiệm, một sọt lê mà có tới dăm quả ăn dở, cắn nham nhở bỏ đi… Tuy vậy, cách ứng xử của người Tottori rất đáng nể, va đập với đủ màu da, với nhiều nền văn hóa khác nhau nhưng họ giao tiếp rất dễ chịu, họ nhẫn nhịn quan sát, dọn dẹp và luôn nở nụ cười, cảm ơn khách.
Bao năm đi làm thuê xứ người, khi san tuyết ở sân trượt tuyết, khi chạy bàn, khi dọn vườn lê… trở về quê nhà, tự nhiên mà Lệ Dân thuộc được bài học: nhìn dưới chân mình để biết trân quý đến từng... nỗi niềm quê.
Bình luận (0)