Trước đó, vào tháng 6.2012, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã ra quyết định cấm tàu cá hoạt động, neo đậu tại khu vực Bãi Trước. Giao trách nhiệm cho UBND TP.Vũng Tàu chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Sở NN-PTNT, Sở TN-MT, Sở GT-VT, Cảng vụ hàng hải Vũng Tàu… tổ chức triển khai.
Ô nhiễm Bãi Trước
Ngày 25.10, trao đổi với PV Thanh Niên, một lãnh đạo UBND TP.Vũng Tàu cho biết, hàng ngày tại vùng biển Bãi Trước có hàng trăm tàu cá hoạt động, neo đậu gây ô nhiễm môi trường, mất an ninh trật tự. Những người thiếu ý thức xả rác sinh hoạt từ trên tàu xuống, phóng uế bừa bãi làm tất cả những thứ này trôi dạt vào bờ khiến người dân rất bức xúc. Nhiều chủ phương tiện, sau khi đánh bắt hải sản xong còn đưa lưới vào khu vực Bãi Trước rửa, giặt lưới làm nước khu vực này rất hôi thối…
|
Anh Lê Ngọc Chung, nhà ở Bãi Trước nói: “Hàng ngày tôi hay ra Bãi Trước để tắm biển buổi sáng sớm. Nhiều lúc đang tắm thì gặp đủ loại bao ny lon, vết dầu, nhớt loang trên mặt nước dính vào người gây ngứa rất khó chịu”. Người dân ở TP.Vũng Tàu cũng nhiều lần đề nghị cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nhanh chóng di dời các tàu cá ở đây để Bãi Trước không còn ô nhiễm, nhếch nhác như hiện nay...
|
Di dời theo lộ trình
Giữa tháng 10, UBND TP.Vũng Tàu đã tổ chức buổi đối thoại trực tiếp với các chủ phương tiện đánh bắt hải sản chuẩn bị di dời ra khỏi nơi neo đậu ở Bãi Trước. Theo kế hoạch, có 3 nhóm đối tượng được di dời và sắp xếp lại nơi neo đậu tại Bãi Trước. Nhóm 1 là các ghe nhỏ dưới 20cv làm nghề lưới cá trích được tạm thời ở lại khu vực Bãi Trước, trong khi chờ sắp xếp hỗ trợ chuyển đổi nghề. Nhóm 2 là các ghe làm nghề rập ốc, cua, ghẹ, phải di dời về khu vực Sao Mai - Bến Đá - Bến Đình. Nhóm 3 là các ghe làm nghề đăng đáy, phải di dời về khu vực Bến Đá - Bến Đình và không được phép bốc dỡ hải sản ở khu vực Bãi Trước.
Tại buổi đối thoại, các chủ phương tiện đều chấp thuận chủ trương di dời tàu cá như phương án của UBND TP.Vũng Tàu. Tuy nhiên, một số chủ phương tiện vẫn còn băn khoăn, lo lắng về những khó khăn có thể gặp khi neo đậu ở vị trí mới như phí nhiên liệu tăng, an ninh trật tự, phải làm lại thủ tục tại các Đồn Biên phòng…Nhiều chủ phương tiện đề nghị UBND TP. Vũng Tàu cho phép được đưa hải sản tươi sống lên bờ tại khu vực Bãi Trước, sau đó mới di chuyển tàu về vùng neo đậu như quy định. Trong thời gian này, cam kết bảo đảm giữ gìn vệ sinh môi trường và an ninh trật tự. Các chủ phương tiện đề nghị thành lập các tổ tự quản để tổ chức cho ghe tàu ra vào và hoạt động một cách quy cũ, có kỷ luật…
Trước các ý kiến này, UBND TP.Vũng Tàu chấp nhận chủ trương thành lập tổ tự quản, cho phép các chủ phương tiện lên sản phẩm ở khu vực Bãi Trước nhưng thời gian lưu lại không quá 3 giờ…Bà Trương Thị Hường- Phó chủ tịch UBND TP.Vũng Tàu (Trưởng Ban chỉ đạo giải tỏa tàu cá từ Cửa Lấp đến Sao Mai của TP.Vũng Tàu) cho biết, ngày 1.11 sẽ tổ chức các lực lượng chức năng có liên quan ra quân vận động, nhắc nhở bà con tiến hành di dời theo đúng quy định đối với từng nhóm đối tượng. Đồng thời, bố trí sắp xếp cho các nhóm phương tiện có nơi neo đậu phù hợp. Việc di dời và neo đậu của các phương tiện sẽ được theo dõi thường xuyên và duy trì ổn định. “Đến ngày 15.12, nếu hộ nào không chấp hành sẽ tổ chức cưỡng chế”, bà Hường kiên quyết.
Nguyễn Long
>> Nhiều sông suối bị ô nhiễm nặng
>> Giám sát ô nhiễm môi trường sông Chà Và
>> Kênh rạch ở TP.HCM vẫn bị ô nhiễm nghiêm trọng
Bình luận (0)