Đi gặp thủ lĩnh "Tin lành Đê Ga"

28/06/2005 23:53 GMT+7

Bài 3: “Tin lành Đê Ga” không phải là tổ chức tôn giáo Mục sư Rmah Sôl trú tại làng Pleikuroh, phường Yên Đổ, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. Ông là quản nhiệm Hội Thánh Tin lành làng Plei Bui, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai và Hội Thánh Tin lành khu vực Ia Nueng, xã Biển Hồ, thành phố Pleiku. Bắt đầu cuộc phỏng vấn, mục sư Rmah Sôl nói:

- Trong cuộc trao đổi này, tôi không muốn dùng tên gọi Tin lành Đê Ga, mà gọi là Tin lành ly khai.

* Thưa mục sư Rmah Sôl, "Tin lành Đê Ga", hay theo cách nói của mục sư là "Tin lành ly khai", có phải là một hệ phái của đạo Tin lành?

- Trước đây chưa có "Tin lành Đê Ga", nó mới xuất hiện từ năm 2000, do ly khai khỏi Tin lành Việt Nam (miền Nam). Đó không phải là một hệ phái của đạo Tin lành, mà do một số người đặt ra với lý do dành cho người dân tộc thiểu số Tây Nguyên.

Còn nhớ, trên một tờ báo ở hải ngoại, một nhà dân tộc học gốc Việt viết, đại ý: Ngày 1/2/1969, tại Buôn Ma Thuột, đại diện Việt Nam Cộng hòa và phe FULRO đã ký một thỏa thuận trước sự chứng kiến của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và Thủ tướng Trần Văn Hương. Trong lời bế mạc lễ ký, ông Y Dhê Adrong, đại diện phe FULRO, tuyên bố: "Kể từ ngày hôm nay, phong trào FULRO không còn nữa trên cao nguyên, bất cứ ai sử dụng danh nghĩa FULRO sau này để phá hoại sự đoàn kết Kinh - Thượng sẽ bị trừng trị theo luật pháp hiện hành của chính quyền". Nhắc lại điều này để thấy rằng, người Việt Nam, dù sống trong chế độ nào, dù bất đồng chính kiến hay thuộc những phe phái khác nhau đều coi tình anh em Kinh - Thượng là thiêng liêng, coi Tây Nguyên là bộ phận không thể tách rời Tổ quốc Việt Nam.

* Theo mục sư, "Tin lành ly khai" có phải là một tổ chức tôn giáo?

- Nếu là tổ chức tôn giáo thì sẽ không tham gia bất cứ hoạt động chính trị nào. Đây không phải tổ chức tôn giáo mà là một tổ chức chính trị hoạt động dưới danh nghĩa tôn giáo.

* Thưa mục sư, vào năm 2000, ông Ama Chăm, người đứng đầu "Tin lành Đê Ga" ở Gia Lai đã tổ chức lôi kéo nhiều tín đồ, chức sắc từ bỏ Hội Thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) để gia nhập "Tin lành Đê Ga". Ý kiến của mục sư về vấn đề này như thế nào?

- Lúc đó chúng tôi đã chống quyết liệt việc làm của ông Ama Chăm. Chúng tôi đấu tranh yêu cầu họ không được bắt tín đồ Tin lành Việt Nam (miền Nam) gia nhập "Tin lành ly khai", bởi vì hành động của Ama Chăm trái với lời của Đức Chúa trời. Chúa dạy không phân biệt người Kinh, người dân tộc, tất cả tín hữu đều là anh em. Từ đó chúng tôi đấu tranh để giành lại con chiên của mình.

* Thưa mục sư, từ khi ra đời vào năm 2000 đến nay, "Tin lành Đê Ga" đã ảnh hưởng thế nào đến đời sống tôn giáo nói riêng và đời sống cộng đồng Tây Nguyên nói chung?

- Từ khi có "Tin lành ly khai", nhiều tín hữu người dân tộc thiểu số rất hoang mang, phân vân; có người theo có người không muốn theo, từ đó gây ra anh em trong một nhà chia rẽ, một làng chia rẽ, thậm chí cha với con cũng chia rẽ. Do nghe theo bên ngoài là tham gia biểu tình để đi Mỹ, nhiều người đã bán bò, đồ đạc, ruộng đất...; rồi bà con, anh em, cha con... khóc lóc, chia tay nhau, gây hoang mang, xáo trộn trong đời sống, thiệt hại về kinh tế cho nhiều gia đình.

* Mục sư vừa nói hoạt động của "Tin lành ly khai" đã gây xáo trộn trong đời sống đồng bào Tây Nguyên. Như vậy, nếu chấm dứt được hoạt động của "Tin lành Đê Ga" sẽ góp phần làm cho Tây Nguyên yên ổn, thưa mục sư ?

- "Tin lành ly khai" đã làm sai với lời Chúa và làm mất đoàn kết trong bà con các dân tộc. Nhiều anh em đã nhận thức được điều đó, từ bỏ "Tin lành ly khai", quay lại với Tin lành Việt Nam (miền Nam), dần ổn định đời sống, tâm lý. Nếu chấm dứt được hoạt động của "Tin lành ly khai" thì bà con sẽ tập trung vào xây dựng kinh tế và có khả năng không gây xáo trộn như trước.

* Như mục sư vừa nói, hiện nay nhiều người theo "Tin lành ly khai" đã nhận thấy lầm lạc, muốn quay về với Hội Thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam). Vậy thái độ của Hội Thánh Tin lành như thế nào?

- Thái độ của chúng tôi là: Con mà lầm lạc thì cha nào lại không muốn con quay trở về. Chúa đã giao phó con chiên cho mình thì mình phải yêu thương họ và mong muốn họ trở về với mình. Chúng tôi luôn dang rộng vòng tay đón họ.

* Được biết, nhiều mục sư của Hội Thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) đang đi đến các buôn làng, giải thích cho bà con không nên theo "Tin lành Đê Ga". Kết quả ra sao, thưa mục sư?

- Tôi được tin vừa qua, các mục sư Siu Pet và Puih Blik đã đi đến huyện Ayun Pa, tỉnh Gia Lai, giải thích cho số bà con "Tin lành ly khai". Nhiều người đã nhận thức ra và cam kết quay lại với Tin lành Việt Nam (miền Nam).

* Xin cảm ơn mục sư. Cầu Chúa phù hộ cho mục sư và gia đình, cùng toàn thể bà con tín hữu trong Hội Thánh Tin lành sống phúc âm, phụng sự Thiên Chúa, phục vụ Tổ quốc và dân tộc!

OoO

Rõ ràng, "Tin lành Đê Ga" không phải tổ chức tôn giáo, mà là tổ chức chính trị cực đoan có tư tưởng ly khai. Không cần nói ra thì bạn đọc cũng biết đứng sau tổ chức này là những ai. Chấm dứt hoạt động của "Tin lành Đê Ga" sẽ góp phần làm cho Tây Nguyên ổn định.

Nhiều nhà nghiên cứu về Tây Nguyên đã thống nhất cao với đánh giá: "Bản chất của người Tây Nguyên có tính cộng đồng cao, tinh thần thượng võ, chất phác mà phóng khoáng, bền bỉ và dẻo dai, không lắm lời nhiều tiếng. Đã vui vui cả làng, đã tin tin tuyệt đối, đã đi đi đến cùng". Đó chính là sức mạnh của người Tây Nguyên. Chúng ta tin tưởng cộng đồng Tây Nguyên sẽ vượt qua mọi trở ngại để đoàn kết và phát triển.

Việt Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.