Đi học bằng “phiếu ăn”

19/02/2009 09:46 GMT+7

Trước khi mô hình bán trú dân nuôi và đổi lương thực lấy phiếu ăn cho trẻ chưa đi vào hoạt động, tỷ lệ học sinh trong tuổi mẫu giáo người dân tộc thiểu số đến lớp ở các xã Sa Bình, Hơ Moong (huyện Sa Thầy tỉnh Kon Tum) chỉ đạt chưa đầy 50%.

Nhưng, kể từ ngày thực hiện mô hình này đã “kéo” được 95% - 100% học sinh đến lớp. Đến với các lớp học này ai cũng cảm thấy rất vui khi thấy trẻ con ở sạch sẽ và phát âm các câu chào khách rất chuẩn “Cháu chào cô”, “Cháu cảm ơn chú”…

Từ “Bán trú dân nuôi”

Bắt đầu triển khai từ tháng 10-2008, mô hình “Bán trú dân nuôi” được thực hiện đầu tiên ở Trường Mầm non Sa Bình. Sa Bình là địa phương có 4 thôn đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, Kà Bầy và Lung Leng có 155 học sinh của các dân tộc Xê Đăng, Hơ Lăng, Gia Rai học tập trung trong 2 lớp.

Trước đây, hàng ngày, bọn trẻ tíu tít theo chân cha mẹ lên nương rẫy từ khi “ông mặt trời vừa thức” đến lúc “ông mặt trời xuống núi” mới về. Dù chỉ 5 – 7 tuổi nhưng chúng cũng có thể giúp cha mẹ việc cơm nước trên nương. Cha mẹ chúng thấy chúng lên nương được việc hơn là cho chúng đến trường và cũng không phải lo toan việc đóng góp cơm nước cho chúng.

Một số học sinh khác lại ngại đường xa không muốn đến trường. Đội ngũ giáo viên ở Trường Mầm non Sa Bình đã phải đến tận nhà để vận động các cháu tới lớp. Đang học, đói bụng là các cháu ra về. Sĩ số học sinh trong lớp trồi sụt liên tục kèm theo trình độ học tập của các cháu cũng khi tăng khi lùi. Để “kéo” các cháu đến lớp và giữ ổn định sĩ số lớp học, mô hình “bán trú dân nuôi” của Trường Mầm non Sa Bình ra đời. Không chỉ chăm sóc bữa ăn, giấc ngủ mà các cô còn dạy cho các em thói quen rửa tay trước khi ăn, lễ phép với cô giáo và không dùng tay để bốc thức ăn theo tập quán ở gia đình.

Để thực hiện được mô hình này, trước hết nhà trường phải tổ chức họp phụ huynh, phân tích để bà con hiểu cho con ở lại trường học thì bố mẹ mới có nhiều thời gian lên rẫy làm ra nhiều lúa ngô. Nhà trường tự mua ăng-gô, cặp lồng đựng cơm, muỗng (thìa) để phát cho học sinh mang về nhà để cha mẹ tự chuẩn bị cơm cho con đến trường. Nhiều hôm, nhìn thấy các cháu chỉ mang cơm không với vài hạt muối đến trường, các cô xót ruột lại xuất tiền túi để chế biến món muối đậu cho các cháu ăn cơm.

Anh A Chăng, bố của học sinh Y Liêng ở làng Bình Loong xã Sa Bình vui vẻ nói: “Nhờ có cô Mạnh cho con Y Liêng nhà mình ăn và ngủ ở trường nên mình làm rẫy được nhiều ngô hơn, mình vui lắm, Y Liêng cũng không phải nghỉ học. Mình sẽ thường xuyên đem con đến lớp để học lấy cái chữ”.

Cô giáo Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết: “Học sinh ăn và ngủ trưa tại lớp với cô giáo nên các cháu đã nâng cao được khả năng phát âm và hiểu tiếng Việt. Các cháu cũng bỏ được thói quen dùng tay bốc thức ăn, trước khi ăn đã biết mời cô giáo và bạn bè nên nhiều phụ huynh rất vui cứ muốn con mình được bán trú tại trường”.

Thứ sáu, các cô chỉ nhận giữ cháu buổi sáng vì chiều bận họp, thế nhưng anh A Bình, phụ huynh của cháu A Duit và nhiều phụ huynh khác vẫn yêu cầu cho con họ được mang cơm đến lớp ăn và ngủ trưa cùng cô giáo như mọi ngày. Bây giờ, Trường Mầm non Sa Bình đã đi vào nền nếp và các cháu đi học rất đều, tiến bộ nhiều mặt thấy rõ.

Đến đổi lương thực lấy “phiếu ăn”

Xã Hơ Moong (huyện Sa Thầy) là một xã vùng sâu và đường đi lên nương rẫy rất xa nên các cháu tuổi mẫu giáo không được cha mẹ cho đến trường. Vùng này hầu hết là người dân tộc Xê Đăng rất nghèo nên không thể ngày nào cũng chuẩn bị cơm trắng cho con đến lớp. Đây cũng là lý do để việc đến trường của các cháu khó khăn hơn. Các cô giáo Trường Mầm non Sơn Ca khi đến tận nhà các cháu vận động cha mẹ cho cháu đến lớp mới hiểu điều khó khăn ấy và các cô nghĩ ra cách đổi lương thực lấy “phiếu ăn” cho con để đưa các cháu trở lại lớp học.

Kể từ năm học 2007 - 2008, mỗi ngày phụ huynh đem con em mình đến lớp, họ lại mang theo một quả bí ngô, bí đao hoặc một ít gạo, con gà, con cá hay quả trứng, mớ cua bắt được dưới sông… để đổi lấy phiếu ăn cho con em mình. Từ số lương thực, thực phẩm phụ huynh mang đến, các cô ở đây sẽ định giá sản phẩm để cấp nhiều hay ít phiếu ăn cho phụ huynh các cháu. Mỗi ngày, các cháu đi học sẽ mang theo một phiếu ăn đến lớp.

Khi hết phiếu, họ lại mang những sản phẩm sẵn có trong nhà để các cô “định giá” cấp phiếu ăn mới cho con. “Thế những gia đình nghèo thiếu đói giáp hạt thì họ lấy gì để đổi phiếu cho con đi học?”, tôi hỏi. Cô Võ Thị Thúy, giáo viên lớp mầm non 3 tuổi (có 25 học sinh) ở làng Đăk Wớt xã Hơ Moong cho biết: “Những trường hợp như vậy chúng tôi vẫn cấp phiếu cho các cháu, đến ngày gia đình thu hoạch lúa, sắn, ngô trên rẫy họ mang đến “trả nợ” cho nhà trường”.

“Thế lỡ họ không trả nợ thì sao?”, cô Thúy cười “Muốn nợ một tuần hay mười ngày, họ cũng viết giấy cam đoan nộp cho cô chứ”. Nói thế thôi, từ trước đến nay chưa có phụ huynh nào thiếu nợ tiền ăn của con mà không trả. Nhiều gia đình đến kỳ thu hoạch, họ mang sản phẩm ra chợ bán lấy tiền và đem đến trả nhà trường. Nếu không có sự linh động của các cô thì nhiều cháu như A Khix (3 tuổi) Y Trà My (3 tuổi), A Viên… bị bỏ học lâu rồi.

Anh A Ven, bố của học sinh A Viên (3 tuổi) nói bằng giọng rất phấn chấn: “Mình rất vui vì giáo viên làm như thế thằng AViên nhà mình mới được đi học, chứ không thì mình phải đưa nó lên rẫy, hoặc theo mình ra suối bắt con cua, con hến. Mình và vợ mình sẽ tích cực đi làm để có trái có ngô đổi cái phiếu ăn cho con đấy”.

Theo cô giáo Nguyễn Thị Thu Thùy, Hiệu trưởng Trường Mầm non Sơn Ca, mô hình “Đổi lương thực, thực phẩm để lấy phiếu” ăn cơm giúp cho rất nhiều hộ gia đình trên địa bàn có điều kiện hơn khi con họ đủ tuổi đến trường. Không những thế, mô hình còn giúp giáo viên duy trì được tỷ lệ học sinh đến trường cao.

Ngoài việc phụ huynh không phải chuẩn bị cơm cho các cháu, giáo viên chế biến món ăn càng đảm bảo cho các cháu ăn chín uống sôi, bữa ăn của các cháu đảm bảo vệ sinh. Mô hình này đã nhận được sự ủng hộ tích cực của bà con các dân tộc trên địa bàn. Do vậy, tỷ lệ học sinh đến trường từ 50% năm 2006 đã được nâng lên 90% vào năm học 2007 - 2008 này.

 ***

Mô hình “đổi lương thực lấy phiếu ăn” tại Trường Mầm non Sơn Ca, xã Hơ Moong và mô hình “đem cơm đến lớp” tại Trường Mầm non Sa Bình đã đem lại hiệu quả, điều này không ai chối cãi, thế nhưng đằng sau nó vẫn còn đó đôi điều trăn trở của những cô giáo yêu nghề, yêu trẻ. Đó là cơ sở vật chất của các trường bán trú còn thiếu thốn. Ngoài 5 triệu đồng mà ngành giáo dục huyện hỗ trợ cho mỗi trường để thực hiện chương trình bán trú ở bậc mầm non hàng năm thì các trường vẫn còn rất cần sự hỗ trợ của tỉnh và các nơi khác để hỗ trợ những nhu cầu bức thiết của trường như đào giếng, vật dụng phục vụ cho bữa ăn, giấc ngủ của các cháu.

Theo Trần Hoài Nam / Sài Gòn Giải Phóng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.