Đi học việc

24/10/2011 16:28 GMT+7

Ra trường, nhiều bạn trẻ không xin được việc nên chọn con đường đi học việc trong 1 - 2 năm để lấy kinh nghiệm.

Dạo quanh các khoa của Bệnh viện T.Ư Huế, nếu để ý sẽ thấy rất nhiều y tá mang bảng tên có sọc màu hồng. Đó chính là những y tá đang học việc tại bệnh viện. Riêng khoa Sản, có khoảng 20 người, đa số là những nữ hộ sinh. Lý do khiến những bạn trẻ này đi học việc là muốn quen việc và một số nuôi hy vọng được trở thành nhân viên chính thức của bệnh viện.

Chính thời gian học việc đã giúp họ không còn bỡ ngỡ với môi trường làm việc. Thời gian học việc thường không hạn định, có thể một năm, hai năm thậm chí dài hơn. Chị Lê Thị L., một nữ hộ sinh đang học việc, cho biết: “Trước đây, tuy được học rất kỹ, song mỗi lần có ca sinh là mình lại sợ. Nhưng sau một thời gian đi theo mấy anh mấy chị thì mình học hỏi được rất nhiều kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ. Bây giờ mình đã tự tin hơn khi làm việc”.

 
Những y tá học việc trong một buổi làm việc tại khoa Sản của Bệnh viện T.Ư Huế - Ảnh: Tuyết Khoa 

Thực tế không nhiều cơ quan, doanh nghiệp đồng ý cho SV mới ra trường học việc. Vì thế, nhiều bạn trẻ đã chọn làm nhân viên bán thời gian để tích lũy kinh nghiệm. Trong đó, đa số là bán hàng đa cấp và tiếp thị sản phẩm... Chị Nguyễn Thị H., tốt nghiệp trường Đại học Kinh tế Huế, tâm sự: “Hiện giờ mình đang tiếp thị cho một hãng thực phẩm chức năng để trang trải cuộc sống và lấy thêm kinh nghiệm thực tiễn. Nhiều bạn bè của mình cũng làm như mình, nhưng chủ yếu là bán mỹ phẩm”.

Xung quanh việc đi làm nhân viên tập sự cũng có nhiều chuyện oái oăm. Chị Trần Thị X., tốt nghiệp trường Cao đẳng Y tế Huế, cho biết: “Trước đây mình có nghe chuyện một số phòng khám lợi dụng những người đến xin thử việc nhưng mình không tin, bây giờ mình mới vỡ lẽ. Người ta tuyển mình vào thử việc từ 3 - 6 tháng. Nhưng khi hết thời gian thử việc thay vì ký hợp đồng như đã hứa thì người ta đuổi mình cho dù mình làm tốt, và họ tuyển người khác. Cứ thế, người này đi thì người khác đến. Đến một thời gian rồi lại phải đi”.

Đối với những bạn tốt nghiệp chuyên ngành sư phạm. Ra trường không xin được việc, để không bị “rét nghề” cũng như lấy thêm kinh nghiệm, rất nhiều bạn tiếp tục đi làm gia sư như hồi còn sinh viên. Bởi công việc này hoàn toàn phù hợp với chuyên môn. Tuy nhiên, không phải khi nào chuyên môn ấy cũng được áp dụng. Chị Nguyễn Thị M., tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Thừa Thiên - Huế, tâm sự: “Đi làm gia sư rất tốt nhưng nhiều khi mình còn kiêm đủ thứ, nào là bảo mẫu, thậm chí làm người giúp việc cho gia đình họ”.

Dù gặp không ít khó khăn và áp lực song nhiều bạn trẻ vẫn không ngần ngại đi học việc. Từng ngày, từng ngày, họ vẫn miệt mài tu nghiệp để lấy chút kinh nghiệm. Bởi một thực tế hiện nay là, nhiều bạn trẻ mới ra trường khả năng thực hành cũng như kỹ năng mềm của họ còn yếu, dù học lực đạt mức khá giỏi. Hơn nữa, đa phần các doanh nghiệp đều đòi hỏi hai năm kinh nghiệm khi tuyển dụng lao động.

Tuyết Khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.