Đi lại liên tỉnh bình thường mới

05/10/2021 06:59 GMT+7

TP.HCM đã chủ động gửi 2 phương án liên quan đến việc đi lại của người lao động giữa TP.HCM với 4 tỉnh giáp ranh (Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh) cho các tỉnh này xem xét, thống nhất triển khai.

Đến nay, các tỉnh, thành nói trên cơ bản thống nhất, chỉ riêng Bình Dương, Long An chấp thuận một phần.

TP.HCM chủ động mở cửa cho người lao động di chuyển

Chiều 4.10, chốt kiểm soát trên QL13 (đoạn gần cầu Vĩnh Bình, P.Hiệp Bình Phước, TP.Thủ Đức, TP.HCM) giáp ranh với Bình Dương nhộn nhịp người ra vào bằng xe máy và ô tô. Lực lượng trực chốt khá đông, gồm bộ đội, công an, CSGT, cảnh sát cơ động, thanh tra giao thông… kiểm tra giấy tờ như mã QR khai báo di chuyển nội địa, kết quả xét nghiệm âm tính Covid-19, chứng nhận tiêm vắc xin.

Bản tin Covid-19 ngày 5.10: Dịch vụ ở TP.HCM “rón rén” mở cửa | Các địa phương tiếp tục hỗ trợ dòng người về quê

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, việc kiểm tra diễn ra khá nhanh, người dân chỉ cần cầm sẵn giấy tờ, xuất trình cho người trực chốt rồi nhanh chóng đi qua. Nhiều cặp vợ chồng chở theo con nhỏ khệ nệ đồ đạc phía sau hối hả rời TP.HCM, có người chưa khai báo di chuyển nội địa thì lực lượng trực chốt đưa tờ giấy để khai báo thông tin cá nhân, lộ trình di chuyển.

Người dân từ Bình Dương vào TP.HCM qua chốt kiểm soát gần cầu Vĩnh Bình trên QL13 (TP.Thủ Đức)

SỸ ĐÔNG

“TP.HCM có hướng dẫn chỉ cần xét nghiệm âm tính và đã tiêm vắc xin đủ 14 ngày là được qua chốt nên mình tạo điều kiện tối đa”, một thanh tra giao thông nói.

Lực lượng làm nhiệm vụ kiểm tra phương tiện ra vào địa bàn Đồng Nai tại chốt cầu Đồng Nai chiều 4.10

LÊ LÂM

TP.HCM đang duy trì 12 chốt kiểm soát chính và 39 chốt kiểm soát phụ trên các tuyến đường ra vào 4 tỉnh giáp ranh với Đồng Nai, Bình Dương, Long An và Tây Ninh. Khác với thời điểm trước 1.10, người dân di chuyển từ TP.HCM về các tỉnh 2 ngày gần đây khá thuận lợi, không còn cảnh ùn tắc, tập trung kéo dài trước chốt kiểm soát. Trước đó, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình đã đề nghị các tỉnh giáp ranh tạo điều kiện cho 5 nhóm thường xuyên lưu thông gồm: vận tải hàng hóa; đưa đón công nhân, chuyên gia; hoạt động công vụ; khám chữa bệnh và đưa đón đến sân bay Tân Sơn Nhất di chuyển thuận lợi thông qua việc kiểm soát bằng công nghệ. Ngoài ra, TP.HCM cũng đề nghị các tỉnh tạo điều kiện cho người dân đi lại giữa các tỉnh trong một số trường hợp cấp bách như chữa bệnh, đón con vào đi học, phỏng vấn trước khi đi nước ngoài.

Người dân từ Bình Dương vào TP.HCM qua chốt kiểm soát gần cầu Vĩnh Bình trên QL13 (TP.Thủ Đức)

SỸ ĐÔNG

Ông Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết từ ngày 2 - 4.10, Sở GTVT đã nhận 6.937 đơn cá nhân đề nghị đi các tỉnh để đưa người thân trở về TP.HCM. Đến 15 giờ 4.10, Sở GTVT đã phản hồi, giải quyết 2.590 đơn. Ông An thông tin số lượng đơn tăng hàng giờ, chứng tỏ nhu cầu của bà con rất lớn, Sở GTVT không chuẩn bị kịp về mặt công nghệ. Hiện bộ phận xử lý đơn trên có 2 tổ, xử lý qua email và công nghệ, dự kiến đến 6.10 sẽ tổ chức giải quyết nhu cầu cho người dân qua Zalo hoặc email để mọi việc thuận lợi và giải quyết chính xác. Lãnh đạo Sở GTVT đề nghị người dân cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ khi đề nghị được đưa đón người thân ra/vào TP.HCM.

Liên quan đến việc đi lại liên tỉnh của người lao động (NLĐ) giữa TP.HCM với 4 tỉnh giáp ranh, ngày 1.10, UBND TP.HCM đã gửi 2 phương án đi lại, gồm đưa rước tập trung và di chuyển bằng xe cá nhân cho 4 tỉnh giáp ranh nói trên cùng phối hợp thực hiện. Tối 4.10, một lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM xác nhận, Sở GTVT 4 tỉnh giáp ranh đã cơ bản đồng ý với phương án tổ chức lưu thông này. Cụ thể, các doanh nghiệp tổ chức xe ô tô chở công nhân, chuyên gia từ các tỉnh (Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh) đến cơ sở sản xuất đóng trên địa bàn thành phố và ngược lại với 2 điều kiện: đã tiêm ngừa vắc xin Covid-19 ít nhất 14 ngày sau tiêm hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng; và có kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính (định kỳ 7 ngày/lần). Ngoài ra, NLĐ cũng có thể sử dụng xe cá nhân như: ô tô, mô tô, xe gắn máy đi lại hằng ngày với 2 điều kiện tương tự như đưa rước tập trung. Người tham gia lưu thông phải sử dụng mã QR khai báo di chuyển của ứng dụng VNEID và mã QR có thể hiện lịch sử tiêm chủng của ứng dụng Y tế HCM hoặc Sổ sức khỏe điện tử.

Covid-19 sáng 6.10: Cả nước 818.324 ca nhiễm, 747.053 ca khỏi | Thêm hàng vạn người đổ về quê

Người lao động được đi lại giữa TP.HCM và một số tỉnh Đông Nam bộ

Liên quan đến phương án tổ chức cho NLĐ di chuyển giữa TP.HCM với các tỉnh lân cận (Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tây Ninh), ngày 4.10, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng đã giao Sở GTVT Đồng Nai chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành cùng các địa phương nhanh chóng tập hợp, thống nhất ý kiến tham mưu cho UBND tỉnh ra văn bản phản hồi công văn của TP.HCM. Ông Cao Tiến Dũng cũng lưu ý sẽ ưu tiên các mục đích giao thông liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, NLĐ ở nơi khác đến Đồng Nai không cần phải được Đồng Nai cấp giấy mà chỉ cần nơi đi cấp giấy xác nhận là được. Còn các hoạt động giao thông vì mục đích khác thì cần xem xét, thực hiện có điều kiện.

Ngày 4.10, theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Võ Đức Trong, hiện có nhiều công dân của các tỉnh, thành phố trong cả nước đang tạm trú, làm ăn, học tập, sinh sống tại TP.HCM, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Long An… đang có nhu cầu về quê tự phát.

Do đó UBND tỉnh yêu cầu lực lượng làm nhiệm vụ phải kiểm soát người đi lại liên tỉnh. Đồng thời, mỗi ngày, người đi lại trong tỉnh với một số tỉnh, thành để buôn bán, chữa bệnh… đều tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch rất phức tạp nếu không có biện pháp kiểm soát chặt chẽ. Do đó, UBND tỉnh Tây Ninh đã chỉ đạo các đơn vị quản lý chặt người đi lại từ Tây Ninh và các tỉnh, thành phố thuộc vùng có dịch.

Đối với tài xế lái xe, nhân viên nghiệp vụ đi cùng xe, người thường xuyên đi ra ngoài tỉnh (1 - 6 ngày/lần) và trở về thì phải đăng ký thực hiện “1 cung đường 2 địa điểm” được UBND xã, phường, thị trấn nơi cư trú xác nhận và chính quyền địa phương chịu trách nhiệm quản lý theo quy định. Đối với công nhân trở lại làm việc tại các khu công nghiệp, khu kinh tế thực hiện theo phương án khôi phục sản xuất đã được phê duyệt.

Trường hợp người ngoài tỉnh đến Tây Ninh và đi về trong ngày, phải quét mã Code tại các trạm kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 khi ra vào cửa ngõ của tỉnh, có kết quả xét nghiệm âm tính trong 72 giờ. Khi vào tỉnh Tây Ninh, bộ phận trực tại các cửa ngõ sẽ giữ giấy tờ tùy thân và trả lại khi ra khỏi tỉnh.

Long An chỉ cho phép chuyên gia tự do đi lại

Ông Đặng Hoàng Tuấn, Giám đốc Sở GTVT Long An, cho biết: “Thống nhất giữa lãnh đạo UBND tỉnh Long An với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM thì các chuyên gia chỉ cần có test nhanh định kỳ 72 giờ thì được tự do đi lại trong địa bàn 4 tỉnh nếu họ chứng minh được mình đang làm việc hoặc đầu tư tại doanh nghiệp cụ thể. Riêng những NLĐ tự do, tự doanh vẫn chưa thể cho phép được đi lại như các chuyên gia, vì đa phần những người này đi về trong ngày rất khó quản lý trong lúc dịch vẫn còn diễn biến ở mức độ nguy hiểm trong 4 tỉnh, thành. Tạm thời tỉnh Long An thực hiện vậy”. Ngoài ra, ông Tuấn nói tỉnh vẫn đang tạo điều kiện cho công dân về quê thông qua QL1 nếu có test nhanh âm tính với Covid-19. Hàng chục ngàn người “quá cảnh” qua Long An trong 4 ngày qua được cảnh sát dẫn đường đến địa phận Tiền Giang để họ tiếp tục lộ trình. Long An vẫn duy trì lực lượng trực tại các chốt cửa ngõ vào tỉnh để kiểm tra y tế, tiếp nhận người về Long An. Những người về Long An có thể tự chủ động đến cơ sở y tế ở địa phương khai báo, tham gia cách ly theo quy định hoặc tập trung tại H.Bến Lức rồi các địa phương tổ chức lên nhận người đưa về cách ly.

Lãnh đạo công an Đồng Nai tiễn người dân về quê, hẹn gặp khi hết dịch Covid-19

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, đến nay trên địa bàn tỉnh Bình Dương mới chỉ có TP.Dĩ An có văn hướng dẫn cụ thể về việc đi lại với các địa phương ngoài tỉnh. Ngày 4.10, UBND TP.Dĩ An (Bình Dương) đã ban hành văn bản cho phép chuyên gia, công nhân từ TP.HCM, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu nếu đủ điều kiện thì được đến địa phương này làm việc. Ông Phạm Văn Bảy, Phó chủ tịch thường trực UBND TP.Dĩ An, cho biết chuyên gia, NLĐ từ các tỉnh, thành kể trên đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin đủ 14 ngày, hoặc F0 khỏi bệnh trong vòng 180 ngày được đến TP.Dĩ An để làm việc trong các doanh nghiệp “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến” và “3 xanh”. Riêng đối với những người di chuyển bằng xe cá nhân cần có thêm giấy xét nghiệm âm tính trong vòng 14 ngày và thẻ nhân viên hoặc giấy xác nhận đi đường.

Liên quan đến việc đi lại này, trước đó trả lời câu hỏi của PV, đại tá Trịnh Ngọc Quyên, Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương, cho hay sẽ sớm có hướng dẫn sau khi trao đổi với Bộ Công an, Bộ GTVT và Bộ Y tế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.